Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử tại Bình Dương

Thứ năm, 11/07/2019 14:55
(ĐCSVN) - Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; giới thiệu về tình hình, tiến độ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Đoàn công tác Bộ TT-TT tham quan Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương. (Ảnh T.Trang).

Chiều 10/7, Đoàn công tác của  Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) do đồng chí Nguyễn Vĩnh An - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bình Dương về tình hình xây dựng chính quyền điện tử.

Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; giới thiệu về tình hình, tiến độ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.

Đồng chí Mai Hùng Dũng cho biết: Đến nay, hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai ở tất cả các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã; đã cấp trên 6.000 hộp thư điện tử công vụ; 94% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư công vụ cho công việc. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai cho 187 cơ quan với 7.100 người dùng liên thông đến cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai đến 13 đầu cầu cấp tỉnh, huyện và kết nối được với Trung ương; tương lai triển khai đến 91 UBND cấp xã.

Về chữ ký số chuyên dùng, đã cấp 96 chứng thư số cơ quan, 1.030 chứng thư số cá nhân, tuy nhiên tỷ lệ văn bản được ký số còn thấp. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử tỉnh đạt 1 triệu lượt truy cập/năm. Phần mềm một cửa điện tử tập trung được triển khai cho 100% sở, UBND cấp huyện và 62/91 UBND cấp xã. Đã có 368 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 17 dịch vụ công trực tuyến mức 4 được triển khai sử dụng. Tổng đài đường dây nóng 1022 tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Mai Hùng Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra việc xây dựng chính quyền điện tử tại Bình Dương vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở dữ liệu dùng chung, các hệ thống ứng dụng chuyên ngành còn thiếu hoặc chồng chéo…

Đại diện Sở Thông tin truyền thông tỉnh Bình Dương cho biết, một trong những yếu tố giúp  Bình Dương phát triển bền vững là chính quyền phải công khai, minh bạch và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính. Để làm được điều này, nhất thiết phải xây dựng chính quyền điện tử. Bình Dương xác định phát triển chính quyền điện tử là một nội dung quan trọng của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Tỉnh đã ban hành Quy chế ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương; ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và Thành phố thông minh Bình Dương. 

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã trao đổi về quá trình xây dựng thành phố thông minh, giải pháp để Vùng thông minh Bình Dương giành được danh hiệu Smart21 vào năm 2021, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng chính quyền điện tử… để ghi nhận và rút kinh nghiệm triển khai tại nhiều địa phương trong thời gian tới.

Tiếp đó, đoàn công tác đã tham quan hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh và Trung tâm Hành chính công./.

Quỳnh Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực