Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý tại Việt Nam

Thứ sáu, 09/08/2019 22:54
(ĐCSVN) - Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý để phục vụ tốt hơn sự nghiệp đổi mới đất nước là nhu cầu tất yếu, cần thiết, cấp bách hiện nay, góp phần xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học. (Ảnh: VA)

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước”. Chủ trì Hội thảo gồm: PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội và GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sau 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, tư duy pháp lý Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đó là, từng bước khắc phục tư duy pháp lý cũ, thời kỳ quan liêu bao cấp, từng bước hình thành và phát triển tư duy pháp lý mới phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với quá trình dân chủ hóa.

Cùng với đó, đổi mới tư duy pháp lý đã có sự đóng góp quan trọng đối với phát triển đất nước, tác động tích cực đến phát triển các lĩnh vực tư duy khác, đặc biệt là tư duy chính trị, tư duy kinh tế, tư duy hợp tác và hội nhập quốc tế, tạo ra nền tảng nhận thức lý luận để tiến hành các hoạt động pháp lý khác nhau.

Đổi mới tư duy pháp lý đóng góp quan trọng vào sự phát triển tư duy chính trị - pháp lý về xã hội, con người, quyền con người,…

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa đều có chung nhận định, quá trình toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghiệp, quá trình khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của tư duy pháp lý toàn cầu, tư duy pháp lý khu vực và tư duy pháp lý quốc gia.

Đất nước ta đang bước sang giai đoạn đổi mới sâu rộng hơn, toàn diện hơn, có thể gọi là giai đoạn hai của sự nghiệp đổi mới đất nước, đòi hỏi phải có hệ tư duy, quan điểm phát triển mới trên cơ sở kế thừa, phát triển, bổ sung các quan điểm mang tính tư duy mới để tiếp tục đổi mới, phát triển đất nước. Hệ tư duy đó mang tính tổng thể kết nối tất cả các tư duy, quan điểm phát triển các lĩnh vực khác nhau của xã hội; đồng thời, chọn lọc tư duy pháp lý của thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội trong tương lai.

4 nội dung lớn được các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia góp ý gồm: Đổi mới tư duy pháp lý về xã hội, quyền lực chính trị, quyền con người, dân chủ; Đổi mới tư duy pháp lý về phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Đổi mới tư duy về pháp luật và đổi mới tư duy về nghiên cứu và đào tạo pháp luật./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực