Tìm giải pháp cấp bách xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển ​

Thứ năm, 12/07/2018 18:39
(ĐCSVN) - Qua công tác kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP. Hồ Chí Minh, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép…Việc tồn đọng các container phế liệu tại các cảng biển đã ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, làm chậm lưu thông hàng hóa, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: BL

Liên quan đến việc xử lý một số lượng lớn container phế liệu được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam đang tồn đọng tại các cảng biển ở TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng, ngày 12/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và 6 Bộ, cơ quan có liên quan đã họp bàn các giải pháp quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tồn đọng nhiều phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức cho biết, tại Tân cảng Sài Gòn, theo số liệu của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tính đến ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng công ty quản lý là 4.480 container, trong đó riêng cảng Cái Lát là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam.

Tại các cảng của thành phố Hải Phòng, theo số liệu báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, hiện trên địa bàn thành phố đang tồn đọng  số container quá hạn trên 90 ngày là 737 containervà 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.

Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội; làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cảng, ảnh hưởng tới hoạt động của Hải quan; đồng thời làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hang tàu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp...

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Hoàng Văn Thức cũng cho biết, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế dẫn tới các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang nước này như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… sẽ phải tìm đối tác thị trường nhập khẩu mới như: Việt Nam, Thái Lan, Malaixia. Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.

Ngoài ra, theo các thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc đã xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển. Chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chung nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, gây tình trạng ùn ứ tại các cảng biển…

Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xử lý hàng hóa nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng, hãng tàu chưa phối hợp thực hiện, tạo điều kiện cho việc xử lý. Nhiều doanh nghiệp cảng khi làm thủ tục rút hàng, tang vật đi xử lý phải trả chi phí lưu bãi, bảo quản, cắm điện từ ngày về cảng hoặc chờ thống nhất với hãng tàu. ..

Cần có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan chức năng

Để kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa tại các cảng biển, theo các chuyên gia cần có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan liên quan như: Hải quan, kiểm soát Biên phòng, Cảnh sát môi trường… Đồng thời, cơ quan chức năng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, nhập khẩu phế liệu. Tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa, phát hiện vi phạm.

Về phía Bộ TN&MT, đơn vị này cũng đề xuất các đơn vị liên quan tăng cường rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, chủ động chuyển các lô hàng phế liệu nhập khẩu về cảng có ít hàng tồn đọng; khẩn trương phân loại, xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định pháp luật; kiên quyết yêu cầu các chủ hàng tái xuất các lô hàng vi phạm, hoặc tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Bộ TN&MT sẽ rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, công khai giấy xác nhận để các cơ quan Hải quan cửa khẩu sớm làm thủ tục thông quan.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng cho biết, Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và trình ban hành các văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; quy định về vận tải biển, yêu cầu các chủ tàu, chủ vận tải biển chỉ được nhận những đơn hàng có giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực