Tìm giải pháp chống xuất bản phẩm lậu

Thứ năm, 20/06/2019 15:53
(ĐCSVN)- Trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Hệ quả của in lậu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề chống vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm, ngày 20/6 tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chống xuất bản phẩm lậu”.

Hội thảo có sự tham gia, tham luận, tọa đàm, trao đổi của các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực xuất bản; đại diện cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an; đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh; các nhà xuất bản của Việt Nam và nước ngoài. Đây là cơ hội để các đơn vị, tổ chức tìm hiểu, chia sẻ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu và đưa ra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.

Toàn cảnh Hội thảo "Chống xuất bản phẩm lậu". (Ảnh: VA)

Chia sẻ về thực trạng in lậu sách hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, khi đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc một cuốn sách cụ thể, liền móc ngoặc với cơ sở để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại được hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà bản xuất đưa ra.

“Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút… “một vốn bốn lời” là mức lãi quá lớn của in lậu sách, đủ sức kéo bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên của nhà xuất bản hùn vốn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó để hưởng lợi nhuận”- ông Nguyễn Ngọc Bảo lý giải.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, đáng lo ngại nhất là vì lợi nhuận cao, nhiều cơ sở in bất chấp các quy định của pháp luật sẵn sàng in bất cứ cái gì. Dù không có giấy phép in xuất bản phẩm, nhưng nhiều công ty, nhà in, cơ sở in vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu. Các lực lượng chức năng thu hàng tấn sách lậu, nhưng để phát hiện ra nơi in sách lậu lại là một vấn đề hết sức khó khăn, bởi có sự móc ngoặc khá chặt chẽ và tinh vi giữa đối tượng chủ mưu, cầm đầu với cơ sở in.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGDVN cho biết: Trong những năm gần đây, vấn nạn xuất bản phẩm lậu lưu hành trái phép trên thị trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô lớn, gây bức xúc không chỉ trong ngành mà còn là bức xúc của các cấp quản lý Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

Mới đây, tại tỉnh Bình Định, lực lượng liên ngành tỉnh Bình Định đã phát hiện, thu giữ số lượng xuất bản phẩm lậu lên tới hơn 72.000 bản và hầu hết số xuất bản phẩm này là sách giáo dục của NXBGDVN. Qua thống kê của NXBGDVN cho thấy sự phức tạp, quy mô lớn của hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm lậu hiện nay có quy mô lớn và diễn biến phức tạp.


 Sách in lậu được trưng bày bên lề Hội thảo để đại biểu, khách mời phân biệt, nhận biết.
(Ảnh: VH)

Ông Nguyễn Đức Thái chia sẻ thêm: Trong số các xuất bản phẩm lậu đang lưu hành trên thị trường, có lẽ sách giáo dục chiếm tỉ lệ lớn nhất. Nhiều cơ sở, tổ chức, cá nhân hoạt động in lậu sách và phát hành sách lậu vẫn chưa được phát hiện, vẫn tiếp diễn và họ đang trục lợi bất chấp pháp luật.

Công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống xuất bản phẩm lậu đến nay vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này. Vì vậy, việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu là nhiệm vụ không chỉ của các ngành quản lý chức năng cơ quan quản lí nhà nước mà cần có sự góp sức của các chủ sở hữu xuất bản phẩm và của toàn xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Thái, để đấu tranh có hiệu quả chống xuất bản phẩm lậu cần sự phối hợp của nhiều lực lượng. Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, các lực lượng liên ngành, các nhà xuất bản, các tổ chức liên quan coi đây là nhiệm vụ quan trọng, kiên quyết, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước đẩy lùi xuất bản phẩm lậu.

Tại Hội thảo, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam - Ngài Gareth Ward cũng chia sẻ: Các nhà xuất bản quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đồng thời cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho tất cả người dân Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Ngài Gareth Ward bày tỏ, việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền các địa phương mà cần có sự góp sức của các chủ sở hữu xuất bản phẩm và của toàn xã hội./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực