Tọa đàm về giáo dục ngày nay

Thứ hai, 08/10/2018 21:16
(ĐCSVN) - Buổi tọa đàm đã góp phần làm sáng tỏ về giáo dục ngày nay là giáo dục toàn diện về năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề; có phẩm chất, năng lực cần thiết để phục vụ đất nước, xây dựng xã hội; có đủ hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả…
Ông Ngô Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục và Truyền thông phát biểu khai mạc tọa đàm - Ảnh: Trí Huệ

Nhằm chuẩn bị nội dung cho số đầu tiên của Đặc san Giáo dục ngày nay, mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển giáo dục và Truyền thông đã tổ chức buổi tọa đàm “Giáo dục ngày nay”.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Ngô Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục và Truyền thông cho biết, hiện nay Trung tâm đang tích cực chuẩn bị biên soạn, xuất bản Đặc san Giáo dục thời nay số đầu tiên phát hành vào tháng 10 năm 2018, với mục tiêu xây dựng Đặc san Giáo dục thời nay là ấn phẩm hữu ích trong ngành giáo dục, là người bạn của thầy cô giáo, sinh viên, học sinh và phụ huynh.

Trung tâm Phát triển giáo dục và Truyền thông tổ chức buổi Tọa đàm nhằm khẳng định: Giáo dục ngày nay là giáo dục toàn diện theo tinh thần đổi mới hiện nay là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Giáo dục và Đào tạo phải làm sao để tạo ra được những con người có phẩm chất, năng lực cần thiết để phục vụ đất nước, xây dựng xã hội; có đủ hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả…Đồng thời góp phần lý giải, tìm giải pháp thực hiện về thực trạng mà một số ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục và đào tạo của nước ta còn nhiều tiêu cực, chưa tiên tiến về tư duy, về chương trình đào tạo, chưa hiện đại về hạ tầng cơ sở.

Buổi tọa đàm đã thu hút nhiều đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên, nhà báo và những người làm công tác giáo dục tham gia trình bày bài tham luận và các ý kiến phát biểu thảo luận, góp phần làm sáng tỏ về giáo dục ngày nay là giáo dục toàn diện về năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề; có phẩm chất, năng lực cần thiết để phục vụ đất nước, xây dựng xã hội; có đủ hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả…

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm về Giáo dục ngày nay - Ảnh: Trí Huệ

Tại buổi tọa đàm, chia sẻ ý kiến về giáo dục Việt Nam thời kỳ công nghệ 4.0, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hợp, nguyên là giảng viên cao cấp Trường Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh, cho rằng, chương trình giáo dục toàn diện là giáo trình mềm cho phép người học tương tác với nhiều mặt, nhiều lĩnh vực xã hội để có cái nhìn đa chiều. Cốt lõi của giáo dục toàn diện là giúp người học khám phá bản thân, tạo dựng mối quan hệ xã hội và hình thành những hành vi tích cực với xã hội. Những tiêu chí của giáo dục toàn diện là Đức – Trí – Thể và gần đây một số ý kiến cho rằng nên bổ sung 3 tiêu chí Cảm xúc – Xã hội – Nghề nghiệp.

Giải pháp cụ thể nhằm mục đích giáo dục toàn diện là thay đổi về tư duy của quá trình dạy và học. Nhưng trong đó, phương pháp dạy truyền thống vẫn chưa thay đổi nhiều tư duy, thậm chí vẫn còn kiểu đọc – chép và đến nay nó đã rất lạc hậu. Nếu tiếp tục như vậy thì nhà giáo không thể so sánh với các thiết bị thông minh, công cụ tìm kiếm… Vì thế, nhà giáo bây giờ cần linh hoạt, phải làm những gì mà máy móc không thể làm được. Đó là truyền cảm hứng, tạo động lực cho người học từ những nguồn tri thức sẵn có của nhân loại trên hệ thống mạng Internet; đồng thời, hướng dẫn đường đi, phương pháp chính xác để người học phát triển phẩm chất, năng lực, tâm hồn… Để từ đó họ có nguồn tri thức của riêng mình, để khởi nghiệp, dám đứng lên đương đầu với những khó khăn thách thức tìm ra con đường thành công cho riêng mình.

Chia sẻ một số quan điểm về giáo dục ngày nay, Thạc sĩ, Thượng tá Trần Khánh Toàn, Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Huệ (Lục quân 2) cho rằng, ở một số nơi của giáo dục nước ta vẫn còn quan tâm nhiều đến việc dạy chữ, dạy kiến thức cho học sinh nhưng lại buông lỏng việc dạy “nhân” và “nghĩa”, "kỹ năng sống”, trong đó buông lỏng, giảm sút nhất là các mặt đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, chương trình quá rộng và quá nặng, phương pháp dạy học của một số thầy cô còn mang tính thuyết giảng, học sinh, sinh viên tiếp thu một cách thụ động. Cùng với chế độ thi cử nặng nề và bệnh thành tích trầm trọng nên đã gây áp lực rất lớn cho thầy và trò, khiến cho chất lượng kiến thức thực tế của học sinh, sinh viên quá thấp…

Thạc sĩ, Thượng tá Trần Khánh Toàn đề xuất, chương trình đào tạo cần cải tiến đổi mới, trong đó thực hiện triệt để thời lượng học tập của kiến thức lý thuyết và thực hành là 30%-70%, để học sinh có cơ hội trải nghiệm cuộc sống bên ngoài một cách trực tiếp nhất. Và trong tư duy của giảng dạy cũng cần phải quán triệt quan điểm của dạy học thời đại ngày nay là “dạy là dạy cách học, học là học cách học để có thể học suốt đời”. Vì vậy, chức năng của nhà trường là phải tạo cho người học có cách học hợp lý để có khả năng tự học, nâng cao kỹ năng tư duy để phát triển, đặt người học ở ví trí trung tâm nhằm phát huy tính chủ động của người học. Ngoài ra, nhà nước cũng cần giảm dần chức năng chủ quản của các cơ quan quản lý, dần trao quyền cho các cơ sở giáo dục để phù hợp với xu thế chung của thế giới…/.

Trí Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực