Tổng kết cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu”

Thứ bảy, 18/05/2019 16:22
(ĐCSVN) - Chỉ trong một thời gian ngắn phát động (từ 1/9 đến 15/11/2018), Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã có sức lan tỏa rộng lớn trong các cơ sở giáo dục, với số lượng bài thi nhận được gần 60.000 bài.

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức lễ tổng kết cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2018 và phát động cuộc thi năm 2019.

Tham dự Lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục cùng với đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các trường đại học và phổ thông, các tác giả đoạt giải.

Chỉ trong một thời gian ngắn phát động (từ 1/9 đến 15/11/2018), Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã có sức lan tỏa rộng lớn trong các cơ sở giáo dục, với số lượng bài thi nhận được gần 60.000 bài.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao giải Nhất và giải Nhì của cuộc thi (Ảnh: VA)

Tại buổi Lễ, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Thành phần tác giả tham gia dự thi khá phong phú, không chỉ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ ở giáo dục, mà còn có các em học sinh các cấp học tiểu học (nhỏ tuổi nhất là học sinh lớp 2), trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên đại học. Người cao tuổi nhất gửi bài dự thi là một tác giả sinh năm 1946 (tại Hà Nội).

Hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều qua các bài viết. Ở góc độ nào các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về thầy cô giáo. Nhiều người đã trở thành thầy/cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là do chính ảnh hưởng từ thầy cô của mình. Có những người may mắn có được thầy cô chủ nhiệm qua hai thế hệ (cả tác giả và con của tác giả đều được học cùng một cô giáo).

Ban Tổ chức đã chọn và trao tổng cộng 27 giải thưởng cá nhân và tập thể, cụ thể:: 23 giải cá nhân và tập thể gồm: 2 giải tập thể, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 15 giải Khuyến khích. Giải Nhất được trao cho cô giáo Trịnh Thị Vân, Trường THCS Yên Phú, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tác phẩm “Cô giáo – mẹ hiền”.

4 giải phụ bao gồm: 1 giải cho tập thể có số lượng dự thi đông nhất; 1 giải cho thí sinh nhỏ tuổi có bài thi chất lượng; 1 giải cho giáo viên trẻ tuổi nhất được học trò tôn vinh; 1 giải cho đơn vị có bài dự thi chất lượng nhất.


Hồi đồng Ban Giám khảo chấm giải Cuộc thi (Ảnh: VA)

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Mỗi tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một ký ức, một kỷ niệm, cảm xúc đẹp đẽ và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Đối tượng tham gia dự thi đa phần là các tác giả không chuyên nên các tác phẩm dự thi phần nhiều viết bằng tình cảm, cảm xúc chân thành của các tác giả dành cho thầy cô giáo và ngôi trường của mình; đồng thời mong muốn, với sức lan tỏa từ cuộc thi sẽ nhiều hơn nữa những tấm gương nhà giáo tâm huyết, mẫu mực, tài năng.

Tại buổi Lễ tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đã tuyên bố phát động cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2019”./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực