TP. Hồ Chí Minh chú trọng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế

Thứ sáu, 16/08/2019 10:56
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đào tạo nhân lực quốc tế ở TP tập trung 6 lĩnh vực: Nhân lực CNTT và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa về người máy; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; du lịch.
Bí thư Thành ủy TP.HCM trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tự Trung)

Ngày 15-8, UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực (NNL) chất lượng trình độ quốc tế là là nhiệm vụ trọng tâm của TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, nhằm đáp ứng sự phát triển trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phải có chương trình đồng bộ để hướng tới nhân lực trình độ quốc tế 

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, hệ thống giáo dục của TP còn có tổng cộng 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đây là nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo TP  đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, định hướng giáo dục đào tạo nói chung và định hướng trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.

Thông tin về quy mô đào tạo nhân lực quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP cho biết, có 15/54 cơ sở đào tạo được Bộ GD&ĐT và các tổ chức quốc tế kiểm định; 117 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế như: AUN, ABET, ACQUIN, ASIIN, MQA, MQR, CTI, FIBAA, ZeVA…; 163 chương trình đào tạo đại học, sau đại học liên kết với các quốc gia hàng đầu như: Mỹ, Anh, Úc, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Canada, Đức…

Thành phố có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam và hơn 2.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình quốc tế và hơn 1.500 lượt giảng viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu, học tập tại TP. Ngoài ra, các trường  đại học, học viện trong 3 năm gần đây đã có gần 900 hoạt động ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, giao lưu văn hóa.

“Chương trình đào tạo nhân lực quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh được thiết kế hiện đại, có tính thực tiễn và được các tổ chức quốc tế công nhận. Chất lượng sinh viên đầu vào ngày càng cao, đặc biệt là chuẩn tiếng Anh đầu vào (tối thiểu 5.0 IELTS) và đầu ra (tối thiểu 6.0 IELTS)”, ông Lê Hồng Sơn khẳng định.

Đại diện của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2018, nhân lực ngành Du lịch tại TP là 150.000 người có 3.000 đạt trình độ quốc tế, trong đó chỉ có một phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 295 thạc sĩ, 1.200  đại học và 1.500 cao đẳng. Dự báo đến 2030, ngành Du lịch của thành phố cần thêm 3.000 người lao động có trình độ quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng để định hướng cho nhân lực ngành du lịch, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói.

Tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Với sự cần thiết về nguồn nhân lực trình độ quốc tế,  TP phải có một chương trình đồng bộ để hướng tới nhân lực trình độ quốc tế trên các lĩnh vực chọn lọc trong vòng 10 năm trở đi. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND TP nên cân nhắc thành lập hội đồng tư vấn đào tạo NNL quốc tế để triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, phải có một cơ chế tài chính, cần có chương trình cho vay để học trường chất lượng cao, tạo điều kiện để những sinh viên giỏi không đủ khả năng tài chính có thể tham gia học tập.

Thành phố cần phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề khác nhau như: tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh; đào tạo giáo viên thực hiện chương trình quốc tế; triển khai các chương trình đào tạo quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác trong việc nâng cao trình độ quản lý của nhà trường. Cùng đó là việc triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; chuyển giao công nghệ mới và phát triển công nghệ mới.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP tập trung 6 lĩnh vực: nhân lực CNTT và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa về người máy; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính ngân hàng; du lịch.

Ngoại ngữ sẽ là yếu tố then chốt

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nhân lực trình độ quốc tế đòi hỏi phải được đào tạo toàn diện; có kiến thức hội nhập quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ; có gắn kết với doanh nghiệp, trải nghiệm thực tế …

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP. HCM cho rằng, TP cần nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh. Bởi hội nhập quốc tế, trình độ nhân lực quốc tế, ngoại ngữ sẽ là yếu tố then chốt. Thực tế hiện nay, khi học đại học, sinh viên thường yếu nhất ở môn tiếng Anh. Vì vậy, chương trình đào tạo tiếng Anh sẽ được bắt đầu sớm để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Ông Quân đề xuất TP và các trường đại học nên xây dựng trung tâm cải tiến các phương pháp và công nghệ giảng dạy. Đây là điều quan trọng, bởi muốn có nhân lực quốc tế cần phải có phương pháp mới, công nghệ mới để đào tạo. Song song đó nên hình thành mô hình đại học dựa trên nền tảng công nghệ để các trường có thể chia sẻ kinh nghiệm, bài giảng, phương pháp, tài liệu.

TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức nêu quan điểm: Nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, một trong những yêu cầu là hội nhập quốc tế và quốc tế hóa hệ thống giáo dục. Và cần có khung pháp lý rõ ràng, cởi mở nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa, hợp tác giáo dục xuyên quốc gia.

Mặt khác, cần quan tâm chất lượng các chương trình hợp tác; đổi mới hệ thống quản trị theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả; chuẩn hóa các chương trình đào tạo và thúc đẩy chất lượng đào tạo đạt tầm quốc tế. Tập trung đào tạo đội ngũ, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt phải thúc đẩy việc đào tạo tiếng Anh ở tất cả bậc học. Đây là điều kiện hết sức quan trọng.

Cùng quan điểm, ông Alan Malcolm - Tổng giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Pearson - cho rằng khả năng thành thạo tiếng Anh của giảng viên là rất cần thiết trong quá trình quốc tế hóa giáo dục. Giảng viên với năng lực tiếng Anh tốt không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn hướng tới việc đứng lớp tất cả các môn khác bằng tiếng Anh. Khi đó, môi trường đại học mới thực sự hội nhập.

Ông Malcolm cho rằng, khi công nghệ ngày càng phát triển, các trường đại học cũng cần tăng cường áp dụng vào giảng dạy. Công nghệ sẽ như công cụ lắp đầy khoảng trống của tình trạng thiếu giảng viên giỏi, giúp quản lý người học và quá trình giảng dạy.

Nhìn chung, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, các cơ sở giáo dục cần xây dựng chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài, có kế hoạch, chiến lược bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện và chú trọng trong việc phát triển chuyên môn, khuyến khích sáng kiến theo hướng quốc tế hóa cho đội ngũ cán bộ và giảng viên.

Bên cạnh đó, thay đổi phương thức giảng dạy, đẩy mạnh giáo dục STEAM với trọng tâm là các ngành học và cung cấp kỹ năng quan trọng trên nền tảng công nghệ thông tin và có mối quan hệ kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp…

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực