Truyền thông thay đổi nhận thức và thói quen ăn uống từ trẻ em

Thứ tư, 19/12/2018 21:22
(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ dự án phòng chống các bệnh liên quan đến lối sống, các em nhỏ tại Hải Phòng đã có nhiều thay đổi trong nhận thức và thói quen ăn uống, cũng như tăng cường các hoạt động thể chất để cải thiện sức khỏe.

“Ăn hết khẩu phần, bắt đầu từ rau”

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) khi các cô đầu bếp đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh. Việc chuẩn bị khẩu phần ăn cả về chất và lượng đã được tính toán kỹ dựa trên sự tư vấn dinh dưỡng của các chuyên gia Nhật Bản và cán bộ thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hải Phòng. Trong đó rau luôn là thành phần được chú ý và khuyến khích trong mỗi bữa ăn. Bởi trên thực tế, trẻ em thường lười ăn rau và thích ăn thịt, đặc biệt là các món chiên rán.

Khẩu phần ăn cho học sinh tại trường được tính toán cẩn thận
dựa trên sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng (Ảnh: Kiều Giang)

Em Trần Dũng Thành, lớp 4A8 cho biết: “Cháu rất thích ăn các món chiên rán, trước đây cháu hay đòi bố mẹ để được ăn. Nhưng khi được cô giáo dạy nên ăn nhiều rau và thực hiện theo khẩu hiệu “Ăn hết khẩu phần, bắt đầu từ rau”, cháu đã ăn nhiều rau hơn và thấy thích ăn rau hơn”. Không chỉ riêng Thành, khi quan sát các em nhỏ tại phòng ăn, chúng tôi đều nhận thấy các em có sự hứng thú với món canh, rau.

Theo cô Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tiền ăn của mỗi học sinh là 25 nghìn đồng/ngày, trong đó bao gồm bữa chính và bữa phụ. So với trước đây, chi phí không thay đổi nhưng khẩu phần có thay đổi để phù hợp với chế độ dinh dưỡng cho học sinh, theo tư vấn của chuyên gia. Trong khi đó, các cô trông trưa là giáo viên chủ nhiệm của mỗi lớp, do vậy trước mỗi bữa ăn các cô thường dành 3 phút để nói với các con về những món hôm nay sẽ ăn, và tác dụng của những món ăn này là như thế nào. Trẻ em thường vâng lời cô giáo nên hiệu quả tuyên truyền về việc nên ăn như thế nào cho tốt là khá hiệu quả đối với học sinh.

Cô Vân Anh cũng cho biết, công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh trong việc điều chỉnh thói quen ăn uống cho trẻ cũng được nhà trường đẩy mạnh trong thời gian qua. Điều này rất quan trọng, bởi học sinh chỉ có một bữa ăn chính tại nhà trường, trong khi hai bữa còn lại là ăn tại nhà.

Bên cạnh thay đổi khẩu phần ăn, hoạt động thể chất của học sinh cũng được nhà trường rất quan tâm. Các tiết thể dục trở nên sinh động hơn với các bài nhảy, múa tập thể. Học sinh được khuyến khích tự tập nhảy tại nhà theo các bản nhạc mà thầy cô gợi ý. Đội ngũ giáo viên môn thể dục của nhà trường được tập huấn để thay đổi phương pháp và nội dung các tiết học. Theo đó, các bài tập thể dục cho học sinh cũng được thiết kế với những động tác phù hợp với không gian nhỏ hẹp, để các em có thể tự tập luyện tại nhà.

Một giờ thể dục của học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng 

(Video: Kiều Giang)

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng là một trong hai trường tại Hải Phòng thực hiện Dự án xây dựng mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống, được triển khai từ tháng 3/2016 đến tháng 2/2019, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Kagawa (Nhật Bản). Các cơ quan phối hợp thực hiện bao gồm: Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng.

Truyền thông hiệu quả bắt đầu từ trẻ em

Sự thay đổi của lối sống trong bối cảnh đô thị hóa đã khiến tình trạng thừa cân, béo phì trở nên phổ biến ở các đô thị của Việt Nam, trong đó có Hải Phòng. Điều này làm gia tăng các bệnh liên quan đến lối sống như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp,… Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức phòng chống bệnh liên quan đến lối sống của người dân còn thấp, nhân viên y tế còn thiếu kiến thức và phương pháp truyền thông.

Vận dụng mô hình “Phòng chống bệnh liên quan đến lối sống của trẻ em”tại tỉnh Kagawa (Nhật Bản), dự án hướng đến phát triển công tác phòng chống bệnh liên quan đến lối sống tại Hải Phòng. Mục tiêu của dự án là: Năm thứ nhất, đào tạo cán bộ y tế của trường mẫu, xây dựng mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống. Năm thứ hai, nhân rộng kết quả của năm thứ nhất đến trường mẫu khác. Năm thứ ba, hướng tới hoàn thiện thể chế thực hiện như lồng ghép vào chương trình giáo dục, tổ chức các khóa đào tạo theo nhu cầu thực tế.

Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em
(Ảnh: Kiều Giang)

Ông Kobayashi Ryutaro, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: Hiện tại, mới chỉ có hai trường tại Hải Phòng thực hiện dự án này (Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng – Quận Hồng Bàng và Trường Tiểu học Lê Hồng Phong – Quận Ngô Quyền).  “Dự án rất ấn tượng với tôi vì có cách tiếp cận mới. Thông thường khi muốn thay đổi chế độ ăn, người ta thường thực hiện bằng những tờ rơi, tờ quảng cáo. Nhưng dự án này tiếp cận từ trẻ em. Trẻ em tiếp thu rất nhanh và nhớ cũng rất lâu nên hiệu quả tác động tốt. Nhiều em không thích ăn rau nhưng sau khi được tuyên truyền giới thiệu thì thích ăn rau hơn. Khi nhận thức được rồi, thì các em sẽ nói lại với người lớn. Và đó chính là một cách truyền thông hiệu quả”, ông Kobayashi nói.

Theo ông Kobayashi, các trường học tại Nhật Bản đều có các hoạt động tương tự như thế này, tuy nhiên ở mỗi khu vực có thể có những khác nhau, chẳng hạn như khác về các động tác, các bài nhảy múa thể dục, nhưng về cơ bản đều là các hoạt động tăng cường thể chất.

Vào tháng 2/2019, dự án sẽ kết thúc tại hai trường ở Hải Phòng và JICA không có văn bản ràng buộc nào đối với các trường trong việc duy trì hiệu quả sau dự án. Tuy nhiên, ông Kobayashi cho rằng, bản thân các đơn vị thực hiện dự án sẽ thấy tính hiệu quả của dự án và họ sẽ tiếp tục duy trì. JICA có thể có những hoạt động khác để hỗ trợ các đơn vị đó.

Bác sĩ Đồng Trung Kiên – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hải Phòng, một trong các đơn vị tham gia phối hợp thực hiện dự án, cho biết: Trong khuôn khổ dự án, ngoài việc triển khai lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, phụ huynh, giáo viên trong nhà trường, đơn vị này còn tiến hành khám sức khỏe và điều tra thói quen ăn uống, sinh hoạt cho 264 người dân (trong độ tuổi 30 - 69, chỉ số cơ thể  ở mức thừa cân, béo phì BMI> 23) tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng. Từ đó đưa ra cho họ những lời khuyên về chế độ ăn uống, tập luyện để có sức khỏe tốt.

Một bữa ăn trưa của các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng
(Ảnh: Kiều Giang)

Trong khi đó, kết quả khảo sát về tỷ lệ thừa cân béo phì ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cũng có những cải thiện: Khảo sát học sinh khối 4 của trường vào 10/2016, kết quả là có 21,98% em bị béo phì, con số này đã được cải thiện vào tháng 4/2017 với tỷ lệ 18,45%. Đến tháng 10/2017, việc khảo sát được thực hiện với khối học sinh này, cộng thêm số học sinh của khối lớp 3 chuyển lên, kết quả cho thấy có 22,9% em béo phì và con số này được thay đổi vào tháng 4/2018 thành 20,4%.

Tuy nhiên, bác sĩ Đồng Trung Kiên cho rằng, khó nhất là việc thực hiện ở ngoài trường học. Bởi học sinh chỉ có khoảng 10 giờ tại trường học, thời gian 14 tiếng còn lại các em ở nhà. Do vậy, việc thay đổi nhận thức không chỉ cần được thực hiện ở trường, và phụ huynh chính là một nhân tố quan trọng giúp trẻ có những thói quen tốt trong ăn uống và sinh hoạt để có thể phát triển tốt về trí tuệ và thể lực./.

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực