Từ chủ trương xã hội hoá giáo dục ở Tây Nguyên

Thứ tư, 22/05/2019 17:53
(ĐCSVN) - Xã hội hoá giáo dục là phong trào lớn, được chính quyền và các tầng lớp nhân dân các tỉnh Tây Nguyên quan tâm, đồng thuận. Thông qua phong trào, ngành giáo dục các địa phương này nhận được những hỗ trợ, đóng góp của xã hội để hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là tại các địa bàn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Phòng học, bàn ghế ở điểm trường EA Uôi
được nhóm từ thiện Thành phố Hồ Chí Minh tặng (ảnh: tintuc.vn).

Trường mầm non Hòa Bình là cơ sở mầm non duy nhất tại xã biên giới Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Trường có 550 cháu, trong đó 32% là người đồng bào dân tộc M’nông. Một trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, số lượng học sinh đông, nhưng 5 năm nay, nhà trường luôn đảm bảo cho các em có môi trường học tập tốt, “nói không” với phòng học tạm hay phòng mượn. Để làm được điều này, một trong những phương hướng của nhà trường chính là tích cực thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.

Giới thiệu về cách kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội cho ngôi trường mà mình đang quản lý, bà Ngô Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Bình chia sẻ: Mỗi năm học nhà trường họp với Hội cha mẹ học sinh thống nhất huy động xã hội hóa. Ai có nhiều đóng góp nhiều, ai có ít đóng góp ít. Hộ nghèo thì không phải đóng góp. Kể cả những doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn cũng tuỳ khả năng để đóng góp những công trình cho trường như sân chơi, mái che, cổng, tường rào và một số trang thiết bị như tivi, đàn…. cho các cháu.

“Cùng với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, mỗi năm nhà trường kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội khoảng 170 triệu đồng từ hoạt động xã hội hóa. Từ nguồn hỗ trợ này, nhà trường đã bê tông hóa sân chơi, tường rào, cổng trường, mua sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí lên đến hơn 800 triệu đồng”- bà Ngô Thị Hồng cho biết.

Thông tin thêm về những kết quả từ phong trào xã hội hoá dành cho giáo dục mà ngôi trường mình đang dạy đã nhận được trong thời gian qua, cô giáo Phạm Thị Ngọc Năm,   giáo viên Trường Mầm non Hòa Bình (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) phấn khởi nói: Trước đây, khi cơ sở vật chất của nhà trường còn nghèo, điều kiện dạy và học của trường khá hạn chế và thiếu thốn. Thế nhưng, qua sự chung tay của xã hội, đến giờ cơ sở vật chất nhà trường không những đã được đầu tư khang trang mà khu vui chơi và học tập của các cháu cũng được quan tâm, phong phú hơn. Có đồ dùng, đồ chơi nhiều, các cháu rất thích đến trường và bản thân giáo viên cũng có thêm điều kiện để giảng dạy hiệu quả hơn cho các cháu.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), theo thông tin từ thầy Hiệu trưởng Hoàng Hữu Sỹ, cũng nhờ phong trào xã hội hoá mà ngôi trường có cơ sở vật chất phát triển, trường lớp khang trang, chất lượng dạy và học cũng được nâng cao, thầy cô yêu trường yêu lớp hơn. Nhân dân tin tưởng vào nhà trường khi gửi gắm con em mình đến trường ngày một đông hơn. Lúc trước, trường chỉ có 440 học sinh nhưng bây giờ đã phát triển 484 học sinh. Sắp tới đây, khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia thì sẽ càng nâng cao chất lượng dạy và học hơn nữa.

Khẳng định những chuyển biến tích cực từ phong trào xã hội hoá giáo dục hiện nay, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) bày tỏ; Nhờ xã hội hóa được đẩy mạnh mà các trường trên địa bàn huyện cơ sở vật chất được đầu tư khang trang hơn, chất lượng dạy và học ở các cấp học cũng từng bước được nâng cao; tỷ lệ học sinh bỏ học được hạn chế nhiều so với nhiều năm trước. Sắp tới, định hướng của huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các bậc phụ huynh ủng hộ, đồng hành với ngành giáo dục trong xây dựng cơ sở vật chất phòng học, đón đầu cho chương trình giáo dục mới, đặc biệt cho bậc học mầm non và tiểu học.

Cũng theo bà Thuỷ, huyện Đắk Mil hiện có 63 trường học với gần 29.000 học sinh các cấp. Hiệu quả từ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn trong thời gian qua đã giúp hệ thống trường lớp ngày càng khang trang, trong đó có 26 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% phòng học được kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu học tập và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Không chỉ phong trào xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh ở huyện Đắk Mil, nhiều địa phương khác của tỉnh Đắk Nông cũng triển khai rất thành công phong trào này. Nhờ đó đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có 49% phòng học được xây dựng kiên cố; 115 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 29%. Hầu hết các trường học tương đối khang trang; nhiều trường mầm non, tiểu học ở vùng khó khăn đã có đủ cơ sở vật chất để tổ chức học bán trú; 100% trường học các cấp có phòng vi tính, máy vi tính được nối mạng phục vụ tốt công tác quản lý, dạy và học.

Cũng với cách làm tương tư như Đắk Nông, tại tỉnh Đắk Lắk, phong trào xã hội hoá giáo dục được các cấp uỷ, chính quyền, ngành chức năng và nhân dân địa phương hết sức quan tâm. Hằng năm, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân chung tay đóng góp kinh phí, ngày công lao động xây dựng trường lớp, thì việc kêu gọi đầu tư của chính quyền địa phương đến các tổ chức từ thiện, các dự án lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh cũng đang tạo hiệu quả cao cho công tác xã hội hóa giáo dục.

Thông tin về nguồn hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà vệ sinh mà nhà trường vừa mới được bàn giao, cô giáo Vũ Thị Thu Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan, huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Đây là công trình nhà vệ sinh hiện đại được lắp gạch bông sáng bóng, sạch sẽ, có chậu hoa, cây cảnh…. tạo cảm giác thân thiện, tiện nghi như ở nhà. Công trình có diện tích 30 mét vuông, được dự án “Nước sạch và nhà vệ sinh học đường” của Hội Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh tài trợ với tổng kinh phí 110 triệu đồng. Tại đây, nơi rửa tay được bố trí riêng biệt với nơi uống nước, xà phòng luôn có sẵn… Tuy không phải là những trang thiết bị đắt tiền nhưng tất cả đều ngăn nắp, sạch sẽ. Nhờ dự án này mà hình ảnh nhà vệ sinh giờ đây không còn là nỗi ám ảnh với các em học sinh.

“Nhờ dự đầu tư này, giờ đây phụ huynh và học sinh rất phấn khởi vì mỗi ngày các em đến trường đã có nước sạch để uống, có công trình vệ sinh đảm bảo cho việc sinh hoạt. Trước đây, công trình vệ sinh không được đảm bảo thì nhiều khi các em còn vứt giấy bừa bãi nhưng mà bây giờ thì hàng tuần nhà trường, phụ huynh, giáo viên cũng nhắc nhở các em bảo quản”- cô Vũ Thị Thu Minh thông tin thêm.

Thư viện và sách tại các trường ở Đắk Lắk thời gian qua cũng được quan tâm xã hội hoá hỗ trợ cho các trường
(Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tao tỉnh Đắk Lắk)

Ngoài việc kêu gọi xã hội hoá đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, nhà vệ sinh, thời gian qua chính quyền huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cũng chú trọng kêu gọi xã hội ủng hộ để đầu tư hệ thống thư viện cho các trường vùng sâu, vùng khó khăn. Theo đó, từ chương trình hợp tác xây dựng thư viện thân thiện của tổ chức Room to Read, các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa trên điạ bàn huyện được đầu tư xây dựng 1 phòng thư viện cho học sinh với kinh phí 150 triệu đồng/thư viện; đồng thời bình quân mỗi năm, chương trình này cũng đã bổ sung cho các thư viện của các trường từ 600 – 700 đầu sách, phục vụ nhu cầu đọc của các em học sinh.

Theo cô giáo Trần Thị Chuyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), hình ảnh, tranh vẽ và đầu sách được Room to Read trang bị cho được các em học sinh rất ưa thích. Khi tiếp nhận thư viện, trường cũng được của Room to Read chuyển giao công tác điều hành, quản lý thư viện theo hướng khoa học, hiện đại hơn.

Đánh giá những chuyển biến trong công tác xã hội hoá tai Đắk Lắk 10 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này khẳng định: Cùng với các chính sách đặc thù mà địa phương đầu tư cho ngành Giáo dục, những đóng góp của xã hội ngày cũng càng nhiều và thiết thực hơn. Nhờ đó đã góp phần giúp Đắk Lắk đến thời điểm hiện tại đã có hơn 400 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 40%. Tỷ lệ học sinh vào lớp 1 ở tiểu học đạt trên 99% và vào lớp 6 ở bậc trung học cơ sở đạt trên 98%. Đặc biệt, nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới … đối với giáo dục đã có nhiều thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học hành của con em, tham gia đóng góp, xây dựng trường lớp.

Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, số lượng trường học được xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung hiện vẫn còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân như: địa bàn rộng; nhiều trường, điểm trường giao thông không thuận lợi. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, nên rất khó khăn trong việc đóng góp kinh phí cùng với ngành Giáo dục để đảm bảo các điều kiện cho việc dạy và học tại các trường.

Riêng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), theo bà Ngô Thị Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện thì với địa phương này, hiện có 3 xã vùng 3 và một số thôn đặc biệt khó khăn. Ở các địa bàn này, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn khó khăn nên công tác xã hội hóa giáo dục hết sức hạn chế. Thực trạng đã góp phần làm gia tăng nguy cơ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học ở một số xã vùng sâu, vùng xa. Do đó, để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học hoặc đi học không chuyên cần, tỉnh Đắk Lắk đã có những chính sách riêng dành cho những trường học tại những vùng đặc biệt khó khăn như: ưu tiên bổ sung cơ sở vật chất cho những trường không thể xã hội hóa, ưu tiên phân bố ngân sách chi tiêu cho các nhà trường để từ đó, các trường học chủ động nguồn kinh phí chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Theo ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có Nghị quyết 172 hỗ trợ địa các phương mỗi năm 3 tỷ đồng để xây dựng trường chuẩn quốc gia. “Tùy theo huyện mà tỉnh sẽ hỗ trợ từ 1,2-1,7 tỷ đồng để chăm lo cho ngành học mầm non. Chúng tôi cũng tham mưu, đưa các vùng khó khăn vào các dự án của Bộ để đầu tư cơ sở vật chất. Ví dụ như dự án đầu tư cho các trường THCS vùng khó khăn, đầu tư cho Giáo dục Trung học giai đoạn 2 ở các vùng khó khăn…." - ông Phạm Văn Khoa chia sẻ.

Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ chủ trương xã hội hoá giáo dục được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm, thúc đẩy đã góp phần làm chuyển biến chất lượng cơ sở trường lớp cũng như nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, do Tây Nguyên còn là địa bàn khá khó khăn nên vẫn còn nhiều trường học trên địa bàn các tỉnh ở đây rất cần sự vào cuộc, chung tay mạnh hơn nữa của xã hội để góp phần đưa ngành giáo dục Tây Nguyên lên tầm cao mới. Mong rằng, chủ trương này sắp tới sẽ được chính quyền giáo dục các tỉnh tiếp tục phát huy, nhân rộng./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực