Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

Thứ tư, 13/02/2019 16:38
(ĐCSVN) – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không còn là vấn đề nhỏ. Các tác động bất lợi của nó đang ngày càng gia tăng ở mức báo động, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống… Theo dự báo, những năm sắp tới, BĐKH sẽ trở nên rõ ràng hơn và có thể gây ra nhiều tác động khôn lường cho cộng đồng.

Năm 2018, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại cho cộng đồng. (Ảnh minh họa. Ảnh: Bích Liên)

 Thiên tai dị thường, nguy hiểm

Theo đánh giá của các chuyên gia, thế giới có nhiều biến đổi lớn về môi trường như khí hậu biến đổi, nhiệt độ trái đất đang nóng lên, mực nước biển dâng; sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai ngày càng nhiều, các hệ sinh thái đang bị thu hẹp, tốc độ mất mát các loài sinh vật ngày càng gia tăng; “điểm nóng”, sự cố ô nhiễm môi trường, thiên tai ngày càng nặng nề.

Tại Việt Nam, chưa bao giờ người dân lại phải hứng chịu những đợt thiên tai bất thường như những năm gần đây. Nhiều cơn bão có diễn biến, đường đi bất thường; các đợt lũ lụt gây sạt lở đất; mưa lớn kéo dài gây lũ quét ở miền núi… thiệt hại lớn cả về người và tài sản.

Năm 2018, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc, sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển.

Năm 2018 cũng xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng; 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng. Cùng đó, lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long… Thiên tai năm qua đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích. Đây là một con số thiệt hại đã giảm thiểu rất nhiều so với năm trước, khi năm 2017 thiên tai làm 386 người chết, mất tích, gây thiệt hại kinh tế tới 60.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo đánh giá của Hội Tài nguyên Nước quốc tế, Việt Nam đang ở nhóm quốc gia thiếu nước với lượng nước từ nguồn nội sinh chỉ đạt 3.840 m3/người/năm. Trong khi đó, khoảng 63% tổng dòng chảy sông ngòi đến từ các nước láng giềng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Các tác động bất lợi này sẽ gia tăng mức báo động cao hơn, trầm trọng hơn đối với vấn đề an ninh nguồn nước. Tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải miền Trung, vấn đề mưa tập trung với cường độ lớn gây nên lũ lụt làm nguồn nước bị suy thoái, hoặc các đợt khô hạn kéo dài gây thiếu nước. Thêm vào đó, việc suy thoái, ô nhiễm môi trường nước tại các khu vực hạ lưu sông làm cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại các đoạn sông, hồ, kênh, rạch trong đô thị, khu dân cư vẫn còn phổ biến; ô nhiễm không khí tại một số đô thị còn ở mức cao; ô nhiễm tại các khu/cụm công nghiệp và làng nghề đáng lo ngại; chất thải nhựa và túi nilon đáng báo động; các vấn đề môi trường xuyên biên giới ngày càng lớn, phức tạp, khó lường; đa dạng sinh học bị suy giảm… là những thách thức đặt ra đối với môi trường.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Với vai trò là cơ quan đầu mối về ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai, trong đó có việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay đã có kế hoạch về vốn khoảng 15.500 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120, trong đó có 1.500 tỷ đồng ưu tiên triển khai khắc phục khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển; 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng giao vốn trung hạn cho 20 dự án ở các tỉnh ĐBSCL theo Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; ngoài ra là kinh phí từ các dự án của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển khác, kinh phí do các địa phương bố trí kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bàn về vấn đề phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phân tích: “Tác động tiêu cực của BĐKH đến từng gia đình và từng con người, không phân biệt quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Nhưng để giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó thì mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều không thể giải quyết được. Ở đây đòi hỏi có sự gợi mở về những giải pháp, truyền thông cho cộng đồng để mỗi người dân Việt Nam có ý thức về bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH, đổi mới công nghệ, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ mới đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế”.

Tại Hội thảo chuyên đề về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 17/1/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh: BĐKH đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài, lưu vực sông rộng lớn. Thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học.

Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc ĐBSCL đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua. Mỗi năm có khoảng 300 ha đất đai bị sụt lún, sạt lở; hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập nước mặn, nước lợ ngày càng gia tăng… và nhiều tác động thiên tai khác đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. "Nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH thì thành quả phát triển kinh tế - xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được”, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực