Vụ hàng chục trẻ em bị sùi mào gà ở Hưng Yên: Đừng lạm dụng nong tách bao quy đầu

Thứ năm, 20/07/2017 11:00
(ĐCSVN) - Việc hàng chục trẻ bị mắc bệnh sùi mào gà nghi do nong cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư tại Hưng Yên khiến dư luận xôn xao. Các bác sĩ cho rằng cần khuyến cáo các bậc phụ huynh tránh lạm dụng cắt bao quy đầu cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ và không nên đưa trẻ đi nong bao quy đầu quá sớm.

Yêu cầu xác minh thông tin nhiều bé trai bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục sau khi cắt bao quy đầu

Tập trung mọi điều kiện chữa trị cho các bé bị viêm nhiễm ở Hưng Yên

Trẻ bị sùi mào gà nghi do nong cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư tại Hưng Yên đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

 Ảnh: TL

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Thương, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, căn nguyên của bệnh sùi mào gà do vi rút HPV gây ra. Hiện có hơn 130 tuýp gây bệnh khác nhau. Mặc dù sùi mào gà ở người lớn thường do HPV tuýp 6 và 11 gây ra, trong khi đó tuýp HPV gây biểu hiện sùi mào gà của trẻ em rất đa dạng. Tuýp HPV hay gây tổn thương hạt cơm ở da thường được phát hiện ở tổn thương sùi mào gà ở trẻ em.

Nhiều người giật mình khi biết trẻ em có thể mắc sùi mào gà. Bác sĩ Huyền Thương cho rằng, điều này không quá lạ bởi các con đường nhiễm HPV ở trẻ em thường gặp như qua tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp; Tự lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc hoặc da; Do bị lạm dụng tình dục; Truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở; dùng chung đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV (tuy nhiên khả năng này rất ít khi xảy ra)…

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, trẻ mắc bệnh sùi mào gà khá nguy hiểm. Với trẻ sơ sinh, da và niêm mạc rất mỏng và yếu nên rất dễ xước xát và nhiễm vi rút hoặc các loại vi khuẩn gây bệnh khác. Khi mới sinh ra, sức đề kháng của trẻ yếu, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi khi đã nhiễm HPV thì thời gian ủ bệnh thường ngắn, chỉ vài ba tháng là phát bệnh. Ngay cả trẻ lớn hơn, việc mắc sùi mào gà khá dễ dàng. Nếu người lớn bị vi rút HPV hoặc lây nhiễm vi rút HPV từ nơi khác về, khi tiếp xúc với bộ phận sinh dục của trẻ em đều có nguy cơ lây bệnh sang cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng chia sẻ thêm, việc điều trị bệnh sùi mào gà còn khó khăn do hiện chưa có thuốc đặc trị nhưng hiện đã có hướng giải quyết. Về nguyên tắc, sau khi điều trị bằng phương pháp loại bỏ virus HPV, cơ thể có khả năng tự chống trả được, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Khi mắc bệnh không phải điều trị một lần là khỏi mà phải mất một thời gian. Đối với trẻ em cũng vậy, sau khi thăm khám sẽ phải tái khám, theo dõi thời gian tiếp theo xem còn tổn thương không.

Bệnh sùi mào gà nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm có thể khiến cho bệnh tái phát liên tục, các nốt sùi sẽ phá vỡ các niêm mạc, tấn công sâu vào bên trong, tạo thành các khối lớn, thậm chí to bằng nắm tay, bịt kín đường sinh sản gây vô sinh, và người bệnh còn có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư vòng họng (nếu bị sùi mào gà ở miệng họng). Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, không may mắc bệnh sùi mào gà nếu điều trị kịp thời, đáp ứng tốt và theo dõi định kỳ đến khi khỏi hoàn toàn thì khả năng bị bệnh mãn tính sau này có thể loại bỏ được. Trẻ được điều trị khỏi sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản sau này.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Khoa Ngoại, Bệnh viện Đai học Y Hà Nội cho biết anh thường xuyên gặp các cháu bị biến chứng do nong tách bao quy đầu sai gây viêm bao quy đầu.

Phong trào cha mẹ cho trẻ đi nong bao quy đầu, thậm chí người trưởng thành cũng “đổ xô” đi cắt bao quy đầu có phần bắt nguồn sự thổi phồng về biến chứng ung thư dương vật do hẹp bao quy đầu gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh trong thời gian qua. Trong khi đó, các phòng khám đầu tư trang thiết bị điều trị bệnh lý này rất ít, kỹ thuật đơn giản, thu được lợi nhuận cao nên các phòng khám đua nhau quảng cáo xung quanh bệnh lý bao quy đầu.

Để tránh lạm dụng cắt bao quy đầu ở trẻ em, bác sĩ Liên cho biết mọi người phải hiểu đa phần trẻ em là hẹp bao quy đầu sinh lý, nếu vệ sinh, chăm sóc bao quy đầu tốt thì trẻ sẽ có thể "tự hết hẹp". Do đó nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu. Nếu phải nong tách bao quy đầu thì cần đến các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc nam khoa có uy tín, được đào tạo bài bản để được khám và tư vấn cụ thể.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ cắt bao quy đầu ở thanh thiếu niên, người trường thành bị chít hẹp bao quy đầu, thắt nghẹt bao quy đầu, dài da bao quy đầu, viêm nhiễm bao quy đầu tái phát, bao quy đầu có sùi mào gà. Việc thực hiện cắt phải ở cơ sở y tế chuyên khoa có đủ kỹ thuật và đảm bảo vô trùng để tránh tai biến, viêm nhiễm sau cắt./.

Bộ Y tế yêu cầu đình chỉ công tác y sĩ chữa bao quy đầu cho trẻ Hưng Yên

Liên quan đến việc hàng chục trẻ bị sùi mào gà sau khi được y sĩ Hoàng Thị Hiền ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên điều trị chít hẹp bao quy đầu, Sở Y tế Hưng Yên kiến nghị 3 hình thức xử phạt hành chính đối với y sĩ này. Cụ thể, với lỗi chưa có giấy phép hoạt động phạt 30-50 triệu đồng; phạt 20-30 triệu đồng vì phòng khám có tủ thuốc và bán thuốc; hành nghề quá phạm vi cho phép phạt 30-40 triệu đồng. Y sĩ này cũng bị kiến nghị tước chứng chỉ hành nghề trong 6-12 tháng. Sở Y tế Hưng Yên kiến nghị UBND tỉnh phạt tối thiểu 110 triệu đồng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên trước hết tạm đình chỉ công tác của bà Hiền tại trạm y tế xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Sở cũng cần yêu cầu bà Hiền kiểm điểm và báo cáo trung thực về hoạt động khám chữa bệnh của mình.


Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực