Ngành thủy lợi tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 30/12/2016 18:17
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động sâu rộng như hiện nay, ngành thủy lợi cần phải có giải pháp thích ứng và tăng cường khả năng ứng phó. Theo đó, khi xây dựng Chiến lược Phòng chống thiên tai, Chiến lược Thủy lợi đòi hỏi phải tư duy lại và quy hoạch lại hệ thống thủy lợi.

Kế hoạch của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2017 là tiếp tục hoàn thiện Luật Thủy lợi, Chiến lược Thủy lợi, Chiến lược phòng chống thiên tai. Hoàn thành các dự án quy hoạch lớn như Quy hoạch thủy lợi tổng thể vùng Tây Nguyên, Quy hoạch lũ Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch thủy lợi chống ngập Tp. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch thủy lợi tái cấu trúc ngành nông nghiệp các vùng trên cả nước… Cùng với đó là xây dựng các đề án huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi và thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo tính khả thi khi triển khai phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Kiên cố hóa kênh mương nội đồng (Ảnh: B.K)

Trước đó, trong năm 2016, Tổng cục Thủy lợi đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chặt chẽ các nguồn kinh phí được giao quản lý theo đúng chỉ đạo. Ngành cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra tiến độ, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn thi công công trình, xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo chất lượng, chậm tiến độ. Đồng thời, tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa, nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi ở địa phương. Đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động. Các mô hình thí điểm hiện đại hóa thủy lợi đặc trưng cho từng vùng, miền được thực hiện và làm cơ sở để đào tạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hiện đại hóa hệ thống thủy lợi. Đồng thời tham mưu, đề xuất chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ.

Về hoạt động tưới nước tiết kiệm, Tổng cục đã và đang xây dựng 3 quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cà phê vối, hồ tiêu, cây điều; 2 tiêu chuẩn quốc gia về quy trình công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây mía, chè. Tuy nhiên, so với năm 2015, các hoạt động chỉ đạo phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ước đạt 60-70%, xây dựng và ban hành quy trình tưới, triển khai xây dựng mô hình trình diễn, thí điểm về tưới tiết kiệm nước trong các dự án còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu ngành. Tốc độ gia tăng diện tích áp dụng tưới tiết kiệm nước có dấu hiệu chậm lại, chỉ đạt trên 20%, thấp hơn so với năm 2015 (30%).

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc cần chuyển hướng thủy lợi từ phục vụ cho sản xuất mang tính chất truyền thống (trong đó chú trọng cây lúa) phải chuyển sang giai đoạn mới để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế và hội nhập quốc tế. Cũng theo Bộ trưởng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, đã đến lúc phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư. Việc làm này hoàn toàn đúng, nhưng phải phân loại cấp độ công trình, đối tượng công trình, thể loại, hình thức đầu tư và phải đảm bảo dù xã hội hóa nhưng nhà nước vẫn phải quản lý được ở những khu vực quan trọng nhất. Đồng thời, phải chống độc quyền, phải chịu trách nhiệm chỉ đạo nhà nước. Đó cũng là cách để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành này hiện nay.

HA.NV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực