Quảng Bình phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững

Thứ sáu, 12/01/2018 11:13
Phát triển kinh tế trang trại là một trong những chủ trương lớn của tỉnh Quảng Bình nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai cũng như nguồn lao động…
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quảng Bình.

Những năm qua, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng, hình thức tổ chức sản xuất đa dạng, dần khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

*Giàu lên từ phát triển kinh tế trang trại

Quảng Bình hiện có trên 700 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó, tập trung nhiều ở địa bàn các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Những năm qua, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, thiệt hại của thiên tai và biến động của giá cả thị trường nên các trang trại có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng các trang trại trồng trọt và tăng các loại trang trại tổng hợp, chăn nuôi.

Điều này phần nào phù hợp với chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi lớn, tập trung của địa phương. Các trang trại đã cho ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bà con cũng nhạy bén, mạnh dạn tìm tòi học hỏi và đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại. Nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhiều nông dân trên địa bàn xã Ngư Thủy Trung không khỏi cảm phục khi nhắc đến người nông dân trẻ Nguyễn Quang Ngọc, sinh năm 1984, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp lớn trên vùng cát cằn khô của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của Nguyễn Quang Ngọc có diện tích 2ha chăn nuôi chim cút, cá và mở dịch vụ vận tải, cung cấp con giống, chim thịt… có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

Hiện trang trại của gia đình Nguyễn Quang Ngọc nuôi từ 25.000 đến 35.000 con chim cút. Trung bình mỗi ngày, trang trại của gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 trứng cút, 12.000 trứng cút lộn, 500 con chim cút thịt. Anh Ngọc cũng mở dịch vụ vận tải, cung cấp chim thịt thương phẩm, con giống... với doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Riêng chăn nuôi chim cút đã cho thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Trang trại cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, có thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Rời vùng cát Ngư Thủy Trung, chúng tôi ghé thăm trang trại trù phú của bà Hoàng Thị Hòa ở vùng gò đồi xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình sau nhiều năm vượt khó của người phụ nữ nổi tiếng bản lĩnh và năng động này. Với mô hình trang trại tổng hợp rộng khoảng 4 ha, bà Hòa đầu tư chăn nuôi đủ loại từ lợn, gà, vịt, cá, bò đến nuôi ong lấy mật.

Tận dụng diện tích đất đồi màu mỡ, bà Hòa còn trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế như mít, ổi, bưởi…“Trong phát triển kinh tế trang trại, người nông dân cần mạnh dạn đầu tư nuôi trồng kết hợp, đa dạng cây, con và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất. Như vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm sẽ tăng cao và cho nguồn thu ổn định”, bà Hòa chia sẻ.

Hiện trang trại tổng hợp của bà Hòa có 4.000 m2 ao hồ để nuôi cá các loại; 1.400 m2 chuồng trại, 2 ha trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Mỗi năm trang trại của gia đình bà Hòa có tổng doanh thu khoảng 5 tỷ đồng; lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 15 lao động có thu nhập ổn định. Mô hình phát triển kinh tế trang trại của gia đình bà Hòa vinh dự được cấp giấy Chứng nhận Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016 và nhiều khen thưởng khác tại địa phương, là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.

Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 67.000 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Những hộ này đã tham gia giúp đỡ cho 279 hộ thoát nghèo. Một số mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn được đánh giá là mô hình sản xuất có hiệu quả, cần nhân rộng trên toàn tỉnh. Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Quang Ngọc và bà Hoàng Thị Hòa là hai trong số hàng trăm trang trại làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Họ trở thành những điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và phát triển bền vững. Qua đó cho thấy, các chủ trang trại đã sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật… theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và kiến tạo diện mạo quê hương.

*Đồng hành cùng người nông dân

Kinh tế trang trại từng ngày đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, được khẳng định là mô hình sản xuất hàng hóa tập trung và hiệu quả. Giá trị thu từ hoạt động sản xuất của trang trại tăng nhanh qua từng năm, từ trên 504 tỷ đồng năm 2012 tăng lên gần 900 tỷ đồng năm 2017; thu nhập bình quân/trang trại tăng gấp 1,4 lần; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động, khai thác và sử dụng có hiệu quả trên 4.000 ha đất.

Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nâng quy mô sản xuất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại, mô hình kinh tế hợp tác… Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, các chủ trang trại quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và sử dụng nguồn giống có chất lượng trong sản xuất.

Các hình thức liên doanh, liên kết giúp nhau phát triển đã giảm được chi phí đầu tư và hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình Lê Công Toán, điểm hạn chế trong phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Bình là các trang trại chủ yếu tự phát, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẽ, lao động thường xuyên được thuê còn ít. Các trang trại chưa được thiết kế quy hoạch gắn vùng sản xuất tập trung với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Số lượng trang trại quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Ngoài ra, trình độ quản lý, sản xuất kinh doanh của chủ trang trại còn hạn chế; sản xuất của trang trại chưa thực sự bền vững. Vấn đề liên kết giữa các trang trại và các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường. Đặc biệt, phần lớn các trang trại thiếu vốn, việc giao và cho thuê đất còn bất cập nên vẫn còn nhiều trang trại chưa mạnh dạn đầu tư dài hạn.

Nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ và giúp người nông dân yên tâm “làm ăn lớn” trong phát triển kinh tế trang trại, Quảng Bình đã có định hướng và triển khai các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy kinh tế trang trại. Theo đó, phát triển kinh tế trang trại phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch, tích tụ ruộng đất hình thành các trang trại quy mô lớn, thúc đẩy trang trại chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền công nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, hướng tới chất lượng, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, gắn với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch sinh thái; chuyển từ sản xuất trang trại riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết, tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước và có các chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế trai trại tạo điều kiện để các trang trại mạnh dạn đầu tư phát triển đúng hướng, hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.

Tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ của trang trại chiếm 10% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; thu nhập bình quân mỗi trang trại đạt một tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 - 6.500 lao động thường xuyên.

Để kinh tế trang trại Quảng Bình tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi sự nỗ lực của chính các chủ trang trại. Đồng thời, để tiếp sức cho kinh tế trang trại phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, Quảng Bình cần có hệ thống chính sách đồng bộ cùng với sự vào cuộc tích cực và tâm huyết của chính quyền các cấp, ngành liên quan nhằm đồng hành, tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách, tạo điều kiện thong thoáng trong vay vốn… để các hộ sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững./.

Võ Dung/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực