Lục Ngạn (Bắc Giang): Tăng cường các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp những tháng cuối năm 2017

Thứ năm, 29/06/2017 10:15
(ĐCSVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, do tác động bất lợi của thời tiết, tốc độ chuyển đổi cây trồng nhanh,…dẫn đến sản xuất nông nghiệp của Lục Ngạn (Bắc Giang) gặp không ít khó khăn. Theo UBND huyện, những tháng cuối năm, Lục Ngạn sẽ không ngừng tăng cường triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển.

Những tháng đầu năm 2017, nông nghiệp Lục Ngạn (Bắc Giang) gặp không ít khó khăn do thời thiết bất thuận (Ảnh: BT)

Theo UBND huyện Lục Ngạn, trong 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết, giá bán nông sản thấp và tốc độ chuyển đổi cây trồng nhanh dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhìn chung gặp nhiều khó khăn.

Trên lĩnh vực trồng trọt, diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm nhiều do người dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả. Tổng diện tích cây trồng vụ Xuân là 6.197/7.073 ha, đạt 87,6% kế hoạch, bằng 77,58% so với vụ Xuân năm 2016. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 17.593 tấn, đạt 46,05% kế hoạch.

Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang trồng cây ăn quả theo đề án, quy hoạch được phê duyệt. Khuyến cáo nhân dân duy trì diện tích cây vải thiều hiện có, không mở rộng thêm diện tích cây có múi. Năm nay, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tỷ lệ vải thiều ra hoa, đậu quả ước đạt 40%, sản lượng ước đạt 55-60 nghìn tấn (giảm 25-30 nghìn tấn so với năm 2016). Dù vậy, vải sớm đã cho thu hoạch với giá bán bình quân 35 nghìn đồng/kg, cao hơn 50% so với năm trước. Về lâm nghiệp, toàn huyện đã trồng mới 1.000/1.300ha rừng, đạt 76,92% kế hoạch, tổ chức giao khoán 7.054,14ha cho 2.099 hộ gia đình, cá nhân và 13 cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ, đạt 100% kế hoạch. Tổ chức khai thác 748ha rừng trồng với tổng khối lượng 59.741,4m3 gỗ.

Tuy vậy, trên một số lĩnh vực, nông nghiệp của địa phương vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, về tình hình chăn nuôi, hiện nay, toàn huyện có 12.065 con trâu, 5.026 con bò, 11.265 con dê, 1.487 con ngựa, 143.562 con lợn và đàn gia cầm 1.058.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 14.788 tấn, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2016. Trong hoạt động khuyến nông, đã tập trung chỉ đạo vận động thành lập mới các mô hình tập thể tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, phổ biến khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp. Trong 6 tháng 2017, đã phối hợp với Hội Nông dân vận động thành lập 5 Hợp tác xã, 28 chi hội sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả với trên 1.400 hội viên; 274 tổ hợp tác với 2.300 thành viên.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có hơn 40 nghìn hộ dân đăng ký sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng số trên 10.700ha. Đã tổ chức 247 lớp tập huấn cho 11.138 lượt người, tăng 135,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp tục đánh giá, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, triển khai thử nghiệm 5/7 mô hình mới.

Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017, 6 tháng cuối năm 2017, ngành nông nghiệp của huyện Lục Ngạn tiếp tục tập trung chỉ đạo, khuyến cáo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy hoạch dã được phê duyệt. Thực hiện gieo trồng mùa vụ, vụ đông năm 2017 theo kế hoạch. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2021. Đồng thời, xây dựng, đăng ký bảo hộ chỉ đẫn địa lý đối với cam Lục Ngạn; thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vải thiều an toàn, nâng diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 10.700ha, thực hiện cấp giấy chứng nhận đối với diện tích vải thiều có quả và áp dụng quy trình sản xuất theo đúng quy định.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức quản lý sản xuất cây ăn quả, phấn đấu ít nhất mỗi xã có hợp tác xã, mỗi thôn có 1 tổ hợp tác làm cơ sở để liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp, nhà khoa học và thị trường. Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến lâm cùng với triển khai đề án chăn nuôi, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ tập trung vào phát triển gia cầm và đại gia súc, chủ động kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý giống, tích cực hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây, con giống đảm bảo chất lượng.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, đầu tư kinh phí hỗ trợ nhân dân trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp không rừng và trồng lại rừng sau khai thác. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo vệ rừng, phối hợp với các sở, ngành thực hiện giao rừng và đất lâm nghiệp cho tổ chức, các hộ dân. Tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ gạo cho các hộ dân người dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực