Tập trung triển khai các giải pháp phát triển ngành điều

Chủ nhật, 08/10/2017 16:41
(ĐCSVN) - Là một trong những cây cho giá trị kinh tế cao, cây điều đang mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp và bà con nông dân. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, chất lượng giống chưa được cải thiện, mối liên kết hợp tác chưa sâu,…đang là những khó khăn cản trở ngành điều phát triển.

Cải thiện chất lượng giống cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy năng suất của ngành hàng điều (Ảnh: BT)

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), diện tích cây điều cả nước năm 2017 đạt 301.738 ha (chưa tính 39.645 ha điều trồng trên đất rừng của tỉnh Bình Phước), tăng 8.727,4 ha so với năm 2016, trong đó diện tích cho thu hoạch 283.931,4 ha, chiếm 94,1%. 9 tháng năm 2017 đã xuất khẩu được 257 nghìn tấn, kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD, đạt 99,8% về lượng và 125% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, theo Cục Trồng trọt, diện tích điều đang có xu hướng giảm, trong đó, diện tích điều năm 2005 là 433.391 ha, đến năm 2012 là 325.999 ha, hiện nay chỉ còn 301.738 ha, giảm 131.653 ha so với năm 2005 và 24.261 ha so với năm 2012. Diện tích điều giảm chủ yếu tại những vùng đất có độ dốc nhỏ, thuận lợi về giao thông, thủy lợi, chuyển sang trồng cây khác như: cao su, cà phê, tiêu,… có lợi thế so sánh cao hơn. Bên cạnh đó, diện tích trồng mới có xu hướng giảm, năm 2006 trồng mới 25,5 nghìn ha, năm 2008 là 11,5 nghìn ha, năm 2016 trồng mới 5.625,8 ha.

Cơ cấu giống điều chưa phù hợp, công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức. Từ năm 1999 đến nay mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất. Quản lý và chuyển giao giống điều ở các địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến tỷ lệ diện tích điều giống mới chỉ đạt 32,3 % diện tích điều toàn quốc, trong đó vùng Tây Nguyên đạt 37,6 %, Đông Nam bộ 30,5 %, Duyên hải Nam Trung bộ 29,2 % đã ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả đầu tư trong sản xuất điều thời gian qua.

Cùng với đó, biện pháp tưới nước tiên tiến và trồng xen để tăng hiệu quả sản xuất điều chưa được coi trọng. Diện tích điều có điều kiện tưới nước bổ sung có thể trồng xen đạt khoảng 20 nghìn ha. Diện tích điều có điều kiện giữ ẩm có thể trồng xen một số cây ưa bóng, nuôi ong và chăn nuôi dưới tán chiếm tỷ lệ nhỏ, do vậy hiệu quả sản xuất điều chưa cao và chưa ổn định.

Những năm gần đây tình trạng hạn hán, mưa trái mùa ảnh hưởng rất lớn đến cây điều, cùng với sự xuất hiện của sâu bệnh làm giảm năng suất, làm cho nông dân nghèo thiếu vốn đầu tư. Đặc biệt hai năm 2016 giảm 16,67% so với 2015, năm 2017 giảm 31,36% so với năm 2016.

Chất lượng vườn điều không đồng đều, một số hộ trồng điều với mục đích giữ đất, quảng canh, ít đầu tư, chăm sóc; phần lớn diện tích điều đang cho thu hoạch đã già trên 20 năm tuổi, giống cũ nên năng suất thấp, thiếu ổn định. Tổ chức lại sản xuất, liên kết giữa các nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp chưa được thiết lập; người trồng điều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Doanh nghiệp chưa liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu; chưa hình thành hệ thống thu mua điều trực tiếp từ nông dân, giá cả thiếu ổn định, giá nông dân thực nhận thấp hơn nhiều so với giá công bố.

Theo Cục Trồng trọt, mục tiêu đến năm 2020, ngành điều phát triển ổn định với 300 nghìn ha, sản lượng 450 ngàn tấn; vùng trọng điểm 200.000 ha ở 4 tỉnh (Bình Phước 135.000 ha, Đồng Nai 40.000 ha, Bình Thuận 17.000 ha, Bà Rịa-Vũng Tàu 8.000 ha), các vùng khác 100.000 ha. Tái canh và ghép cải tạo 60.000 ha, trong đó tái canh 45.000 ha và ghép cải tạo 15.000 ha tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Định.

Nhằm khắc phục ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tái canh, trồng mới là biện pháp quan trọng để đổi mới vườn điều bằng giống mới, trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Những vườn điều già cỗi, lẫn tạp giống, năng suất thấp, chất lượng kém, tiến hành tái canh, trồng mới. Theo Cục Trồng trọt, để đảm bảo cho nông dân có thu nhập và chi phí đầu tư tái canh, trồng mới nên tiến hành theo phương thức cuốn chiếu; đối với những hộ có diện tích khoảng 1 ha nên chia làm hai phần, mỗi lần tái canh 50% diện tích, cách nhau khoảng 1-2 năm; đối với những hộ có diện tích lớn hơn nên chia thành 4 phần, mỗi năm tái canh 25% diện tích.

Hiện nay cây điều đang được nhiều nông dân quan tâm do ít tốn lao động, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng khác, tuy nhiên khi tái canh, trồng mới cần đặc biệt quan tâm đến giống. Giống tốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn điều, vì vậy nhất thiết phải tái canh, trồng mới bằng giống mới có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn tại các đơn vị sản xuất kinh doanh giống có uy tín được cấp phép.

Thực tiễn cho thấy, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh năng suất điều tăng lên từ 24 - 63%, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thâm canh còn giúp cho vườn cây thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng của mưa trái mùa. Quy mô, phạm vi mở rộng thâm canh điều còn rất lớn, chi phí không cao, vì vậy chỉ đạo thâm canh tăng năng suất điều mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống điều mới trỗ hoa từ 2-3 đợt, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng sinh thái, năng suất cao, chất lượng tốt, kháng được một số sâu bệnh chủ yếu. Bình tuyển cây điều có những đặc tính tốt về năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu của từng vùng từ những giống đang được trồng phổ biến để nâng cao thu nhập cho nông dân, giữ vững thị hiếu tiêu dùng sản phẩm điều Việt Nam của khách hàng trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tái canh và ghép cải tạo, hướng dẫn phòng trừ dịch hại. Tổ chức hợp tác sản xuất trong ngành điều rất cấp thiết. Chính quyền và các ngành ở địa phương thúc đẩy việc hình thành tổ chức sản xuất của người trồng điều; Hiệp hội Điều Việt Nam, Hội Điều các tỉnh vận động các doanh nghiệp thành viên xúc tiến liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn. Trong đó, Hiệp hội Điều Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực về kỹ thuật, ổn định giá mua… qua đó giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất./.

 

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực