Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Thứ sáu, 17/11/2017 16:11
Ngày 17/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Dự diễn đàn có sự tham gia của đại biểu nông dân đến từ 7 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cả nước hiện có 21 liên hiệp và 10.726 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó lớn nhất là Bắc Trung bộ với 373 hợp tác xã/tỉnh, Đồng bằng sông Hồng với 327 hợp tác xã/tỉnh. Đã có hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; trong đó có nhiều mô hình liên kết đạt hiệu quả cao như: mô hình liên kết nông dân – doanh nghiệp sản xuất lúa nguyên liệu tập trung quy mô lớn ở cánh đồng mẫu lớn. Các hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn GAP, VietGAP phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Xây dựng và phát triển các mối liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là chủ trương đúng đắn nhằm giúp việc sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng như cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm qua, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vẫn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Tình trạng “phá kèo” trong các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, “được mùa, mất giá” vẫn là nỗi lo đối với người sản xuất. Các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, thiếu vốn để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mỗi năm đều tăng. Tuy nhiên, các thị trường cũng đang trở nên ngày một khó tính hơn, có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn đối với người tiêu dùng và môi trường. Chính vì vậy, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng nông sản đang đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý, nông dân nhằm giữ vững uy tín thương hiệu, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún chưa tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa khiến cho thực hiện liên kết khó khăn; việc kí kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ít khả thi. Sản xuất nhỏ lẻ làm hạn chế khả năng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, làm cản trở xúc tiến đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến nông sản.

Để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, cần phải chú ý đến vai trò của người thu gom nguyên liệu, nhà khoa học, khuyến nông và ngân hàng. Cần phải nhận thức được quyền và lợi ích của các bên liên quan vào chuỗi cung ứng nông sản, nhất là nhận thức của người nông dân sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững và nâng cao uy tín, chất lượng, thương hiệu của hàng nông sản Việt Nam. Và quan trọng nhất là nâng cao vai trò của nhà nước trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng nông sản.

Tại diễn đàn bên cạnh những ý kiến, thảo luận, các đại biểu còn được phổ biến các kiến thức kinh nghiệm về xây dựng đầu ra cho sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cho nông sản, quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển sản xuất theo chuỗi… Từ đó, đưa ra những giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp bền vững với giá trị gia tăng cao./.

Nguyễn Thị Thảo/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực