Đồng Tháp quy hoạch hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh

Thứ ba, 27/02/2018 16:35
Theo ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh quy hoạch lại diện tích nuôi tôm càng xanh đến năm 2020 là hơn 2.000 ha, tập trung nuôi ở các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự, riêng huyện Tam Nông hơn 1.500 ha.
Ảnh  minh họa. Nguồn: Báo Đồng Tháp.

Ông Hồ Thanh Dũng cho biết thêm, năm 2013 diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh đạt cao nhất với hơn 1.133 ha, sản lượng hơn 1.000 tấn. Tuy nhiên, sau đó diện tích nuôi tôm càng xanh giảm dần và năm 2017 giảm xuống chỉ còn 248 ha, sản lượng trên 77 tấn.

Nguyên nhân diện tích nuôi tôm càng xanh càng giảm là do biến đổi khí hậu như: nắng nóng kéo dài, những năm gần đây nước lũ nhỏ, về muộn, chất lượng nước không tốt, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của con tôm, năng suất nuôi ngày càng giảm từ 1,5 tấn/ha xuống còn 1 tấn/ha. Bên cạnh đó, việc thu hoạch tôm tiến hành đồng loạt khi lũ rút dễ bị thương lái ép giá.

Trong những năm gần đây việc phát triển nhanh nuôi tôm càng xanh ở các tỉnh ven biển như: Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre… với hình thức nuôi thâm canh dẫn đến đầu tư chi phí thấp, chất lượng tôm cao do nuôi ở vùng nước lợ nên việc tiêu thụ tôm ở tỉnh Đồng Tháp ngày càng khó khăn.

Để tạo điều kiện vùng có điều kiên nuôi tôm càng xanh như Tam Nông, Cao Lãnh, Thanhh Bình và thị xã Hồng Ngự đến năm 2020, tỉnh đưa ra các giải pháp để cho các vùng nuôi tiếp tục phát triển như: phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác,  hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.

Vận động khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tôm càng xanh tập trung như: sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh trong sản xuất tôm.

Từ việc quy hoạch vùng nuôi, vừa qua tỉnh đưa ra mô hình luân canh nuôi tôm càng xanh - lúa lãi 75 triệu đồng/ha để nhân rộng cho các vùng nuôi. Năng suất lúa thu hoạch đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trồng lúa khoảng 9 triệu đồng/ha. So với các hộ làm lúa trong vùng thì lợi nhuận hộ thực hiện mô hình cao hơn khoảng 2 triệu đồng/ha./.

Nguyễn Văn Trí/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực