Tăng cường phối hợp công tác giữa ngành nông nghiệp và Hiệp hội nuôi biển Việt Nam

Thứ năm, 28/09/2017 16:23
(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có Thông báo số 7963/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với Hiệp hội nuôi biển Việt Nam ngày 11/9 vừa qua.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự ra đời của Hiệp hội nuôi biển Việt Nam trong năm 2016 là một thành công và tín hiệu tốt đối với ngành thủy sản, góp phần đáp ứng được xu hướng phát triển hiện nay. Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đã tập hợp được nhiều thành viên là các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nguyên các cán bộ quản lý nhà nước có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết đối với sự phát triển ngành.

Hiệp hội đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động ngay từ đầu năm, có nhiều đề xuất mới, cách tiếp cận mới. Các đề xuất của Hiệp hội đã thể hiện xu thế, yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển ngành thủy sản, gắn với Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển nuôi trồng hải sản trên biển theo chủ trương, chiến lược biển của đất nước.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ NN&PTNT và Hiệp hội nuôi biển Việt Nam phối hợp, xác định phát triển nuôi biển là một ngành kinh tế quan trọng của phát triển kinh tế thủy sản trong tiến trình cơ cấu lại ngành, hội nhập quốc tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Qua đó, chủ động trong công tác để phát huy hiệu quả, bảo vệ nguồn lợi và phát triển bền vững.

Cụ thể, tập trung hoàn thiện khung pháp lý như: Luật Thủy sản sửa đổi, các văn bản dưới Luật, trong đó có nội dung về nuôi biển, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển nuôi biển. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về nuôi biển thể hiện qua việc rà soát, bổ sung vào chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản từ Trung ương đến địa phương; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và các nhóm chính sách lớn về nuôi biển.

Trong thời gian tới, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thủy sản xây dựng Chiến lược, Đề án tổng thể phát triển nuôi biển. Lưu ý, nghiên cứu lựa chọn một số nhóm sản phẩm ngành hàng then chốt trong số nhiều đối tượng nuôi trồng trên biển có tiềm năng; trong từng đối tượng sản phẩm phải hình thành chuỗi giá trị từ giống, công nghệ nuôi, công nghệ thức ăn, công nghệ thuốc, chế phẩm sinh học, quản lý môi trường,…Lập kế hoạch phân kỳ thực hiện, xây dựng ngành hàng đồng bộ các nhóm giải pháp cụ thể để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả.

Tinh thần chung của Chiến lược, Đề án tổng thể thực hiện đồng bộ ở 3 cấp: Chính phủ, các doanh nghiệp và nhân dân; tuân thủ nguyên tắc cơ chế thị trường, trong đó, doanh nghiệp là nòng cốt; trong nhóm giải pháp thực hiện lưu ý về giải pháp hợp tác quốc tế và giải pháp về đào tạo.

Ngoài ra, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam chủ động tham gia ý kiến góp ý các nội dung liên quan đến nuôi biển và các nội dung liên quan cho dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) cũng như dự thảo các văn bản triển khai dưới Luật./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực