Bộ Tài chính tiếp tục quyết liệt trong công tác cải cách hành chính

Thứ tư, 03/10/2018 16:43
(ĐCSVN) – Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính ngày càng được quan tâm và đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả công việc ngày một rõ nét hơn, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Nhiều kết quả tích cực

Bộ Tài chính coi công tác cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm. Việc nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính đã đáp ứng yêu cầu tiến độ và nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn phát sinh trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh. Bộ Tài chính xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động TTHC đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan tạo thuận thợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Đáng chú ý, về cải cách tài chính công, Bộ Tài chính đã tập trung nguồn lực tài chính nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, đúng với chức năng quản lý nhà nước; sử dụng tập trung nguồn lực cho các ưu tiên chiến lược với chính sách nhất quán, thống nhất và thực tế; Nâng cao được tính chủ động, quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách và với vấn đề tài chính; Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước, bao gồm hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách ở các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách.

Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ.

Những kết quả cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh nêu trên của Bộ Tài chính đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xã hội và cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business (DB) năm 2018 được World Bank (WB) công bố năm 2017 (WB thường công bố sớm trước 1 năm theo số liệu ước tính), môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, cải thiện 14 bậc so với năm 2017, trong đó đặc biệt  là chỉ số nộp thuế đã có sự cải thiện ngoạn mục với 81 bậc từ thứ 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.

Cùng với đó, qua báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp Hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã Việt Nam về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao các nỗ lực cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây cũng là phản ánh sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức ngành thuế, hải quan nói riêng và ngành tài chính nói chung.

Ngoài ra, những kết quả cải cách trong lĩnh vực tài chính cũng thể hiện qua đánh giá về chỉ số cải cách hành chính (Par Index), trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2017) Bộ Tài chính luôn nằm trong nhóm 03/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đứng đầu và về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index), Bộ Tài chính 5 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2017) đứng thứ nhất trong khối các Bộ, ngành.

Vẫn còn những tồn tại hạn chế cần giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính tính ổn định chưa cao, một số văn bản còn phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, số lượng TTHC lĩnh vực tài chính còn lớn (961 TTHC), việc công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC một số lĩnh vực còn hạn chế.

Một thực tế phải nhìn nhận đó là, bộ máy hành chính còn cồng kềnh; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức còn chưa đồng đều, kỷ cương, kỷ luật hành chính một số nơi còn chưa nghiêm.

Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập kết quả đạt được chưa cao; Việc xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử trong quản lý hành chính còn chậm.

Bộ Tài chính thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân của những hạn chế trên  chủ yếu là thủ trưởng một số đơn vị chưa coi trọng công tác CCHC, chưa chủ động triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo phân công nên đã ảnh hưởng đến kết quả chung của Bộ.

Việc tổ chức thi hành các nhiệm vụ CCHC còn thiếu sự đồng bộ, toàn diện, trong phối hợp triển khai công việc còn thiếu sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị.

Mặc dù Bộ đã chủ động thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, tuy nhiên, vì khối lượng văn bản được giao nhiều, có độ phức tạp cao nên ảnh hưởng phần nào đến tiến độ đặt ra.  

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, cần phải huy động nguồn lực của toàn ngành tài chính, chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai công tác CCHC trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành tài chính về công tác CCHC.

Bên cạnh đó, công tác CCHC cần phải thực hiện kiên trì, thường xuyên với những mục tiêu và giải pháp cụ thể; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện công tác CCHC.

Đồng thời, CCHC phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện trong đó cải cách TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công là khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt cần chú trọng công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra công tác CCHC phải được tiến hành thường xuyên nhằm tạo kết quả chuyển biến thực sự và rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ công./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực