Cần khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp

Thứ bảy, 10/02/2018 20:38
(ĐCSVN) - Mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách rất cụ thể nhằm thu hút, khuyến khích phát triển doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, những chủ trương chính sách đến nay chậm đi vào cuộc sống, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư và nông nghiệp.

 

Ảnh minh hoạ (Ảnh: baovinhphuc.com.vn)

1. Thể chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, khuyến khích, hỗ trợ  doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ đầu tư vào nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã có một bước đột phá mạnh mẽ. Nhất là, từ khi có Nghị quyết Trung ương 7, Khóa IX về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Luật Đất đai năm 2013 đã nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp; cho phép hộ gia đình trực tiếp sản xuất tích tụ đất đai để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản; đất làm muối với diện tích lớn hơn nhưng không vượt quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đối với khu vực khác không quá 02 ha cho mỗi loại đất; đất trồng cây lâu năm không quá 10 ha đối với xã phường thị trấn đồng bằng, không quá 30 héc ta đối với trung du, miền núi; đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất không quá 30 héc ta. Khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất để thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa, phát triển sản xuất hàng hóa.

Luật Đầu tư công (số 49/2014/QH13), Luật Ngân sách Nhà nước (số 83/2015/QH13), Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn( ),… Vốn đầu tư cho nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng theo các năm (giai đoạn 2004-2008 là 17%/năm, giai đoạn 2009-2013 là 5,8%/năm). Giai đoạn 2009-2013, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 67% so với 5 năm 2004-2008 nhưng tỷ trọng đầu tư cho nông, lâm nghiệp và thủy sản lại giảm dần. Năm 2003, đầu tư cho nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,46% vốn đầu tư toàn xã hội trong, năm 2013 con số này chỉ còn 5,8%. Năm 2014, đầu tư cho sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6,0% so với đầu tư toàn xã hội.

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp( ), Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp( ); Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn( ); Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013; chính sách hỗ trợ, phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2012 với nhiều cơ chế hỗ trợ về đất đai, tài chính, tín dụng đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ chi phí quảng cáo đến 70%, được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, hỗ trợ áp dụng khoa học và công nghệ, hỗ trợ cước phí vận tải; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi cũng được ưu tiên và chú trọng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013).

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình liên kết trong sản xuất, các chuỗi sản xuất khép kín...  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả vụ hè thu 2014 đã có 101 doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân với diện tích là 77.420,4 ha. Trong đó, hợp đồng thành công là 42.605,6 ha, bằng 55,0% diện tích đã ký (tăng 15% so với vụ hè thu năm 2013). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã chỉ đạo 16 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ở 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thí điểm thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo. Kết quả đã có 12.886 ha được thực hiện thông qua hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong đó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trên thực tế là 9.923 ha, đạt 80% với 2 hình thức liên kết (doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX/THT; trực tiếp giữa doanh nghiệp với nông dân). Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhiều địa phương hưởng ứng và nhân rộng ở 43 tỉnh, trên diện tích khoảng 100.000 ha trồng lúa.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 07/7/2015 về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khuôn khổ đa phương và song phương được duy trì và phát triển. Một số chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài được triển khai mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững...

2. Thực trạng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình nông nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2014, ngành nông nghiệp có 3.844 doanh nghiệp (DN), chiếm dưới 1% tổng số 420.251 DN được điều tra (trên thực tế là các DN còn hoạt động). Cơ cấu của các DN nông lâm thuỷ sản (NLTS) chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), chiếm 96,53% tổng số DN nông nghiệp. Tỷ lệ này phản ánh tình trạng chung của các DN hoạt động tại Việt Nam khi tỷ lệ DNVVN cũng chiếm tới 97,87% tổng số DN của cả nước.

Theo phân ngành, DN hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (1.831 DN, chiếm 47,63%), tiếp đến là thủy sản (1.362 DN, chiếm 35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (651 DN, chiếm 16,94%) chủ yếu là DNVVN.

Đặc biệt, có khoảng 50% DN ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Trong đó, DN nông nghiệp chiếm tỷ lệ 55,52%, DN lâm nghiệp chiếm tỷ lệ 19,33% và DN thủy sản chiếm tỷ lệ 25,15%. Đây chủ yếu là những DN mới được thành lập từ các cơ sở kinh doanh hoặc hộ kinh doanh lớn. Những DN loại này thường là không có cơ cấu tổ chức rõ ràng, mô hình quản lý theo kiểu sơ khai và đặc biệt không có chiến lược hoặc kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Theo cơ cấu sở hữu, DN ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số DN NLTS và tỷ trọng này có xu hướng tăng lên từ 81,36% năm 2010 lên 85,3% năm 2014. Tuy nhiên khu vực DN này mới chỉ chiếm đa số về số lượng DN, còn về lao động và tài sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với khu vực DN Nhà nước trong ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2010 – 2014, tỷ trọng về lao động của DN ngoài nhà nước tăng từ 22,0% lên 24,8% so với tổng lao động của DN NLTS, tỷ trọng về nguồn vốn tăng từ 23,58% lên 36,3% so với tổng vốn của DN NLTS. So với các DN ngoài nhà nước nói chung thì tỷ lệ DN ngoài nhà nước hoạt động trong lĩnh vực NLTS rất thấp, chỉ chiếm 0,88%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ với 69,05% và công nghiệp – xây dựng với 30,07%.

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn giữ vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp mặc dù đã giảm đáng kể từ 417 DN xuống 400 DN trong giai đoạn 2010-2014 tương đương với mức giảm từ 14,5% năm 2010 xuống 11% năm 2014 trong tổng số DN NLTS. Tuy nhiên, năm 2014 các DNNN trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn về lao động (chiếm 71,48%) và vốn (chiếm 58,5%). So với tổng số các DNNN nói chung thì tỷ trọng DN NLTS Nhà nước vẫn ở mức khá cao (chiếm 12,59%).

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ít đầu tư vào lĩnh vực NLTS. Năm 2014, các DN NLTS FDI chỉ chiếm 3,12% về số lượng, 3,72% về lao động và 5,2% về nguồn vốn. Đáng chú ý, tỷ trọng các DN FDI trong lĩnh vực NLTS không thay đổi trong giai đoạn 2010-2014. Tính đến năm 2014, chỉ có 109 DN FDI trong lĩnh vực NLTS, chiếm 1,09% tổng số DN FDI trong nền kinh tế, trong đó có 95 DN 100% vốn nước ngoài và 14 DN liên doanh.

* Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng trưởng DN NLTS đạt mức bình quân là 10,6%/năm, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng DN nói chung (10,9%/năm). Tuy nhiên, tỷ trọng DN NLTS có xu hướng giảm so với DN cả nước, từ mức 1,61% năm 2007 xuống còn 0,96% năm 2014.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thành lập mới 77.542 DN, tăng 18,45% so với tổng số DN đang hoạt động đến cuối năm 2014 và tăng 29,19% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, số DN NLTS thành lập mới là 1.814 DN, tăng 47,19% so với tổng số DN NLTS đang hoạt động đến cuối năm 2014 và tăng 69,37% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, số DN NLTS ngừng hoạt động và giải thể cũng khá lớn 2.019 DN, chiếm 52,52% so với tổng số DN NLTS đang hoạt động đến cuối năm 2014 và tăng 77,11% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, số DN NLTS đến tháng 10/2015 giảm 5,33% so với cuối năm 2014. DN NLTS đang có xu hướng ngừng hoạt động và giải thể nhiều nhất so với DN chung cả nước. Trong 10 tháng đầu năm 2015, số DN cả nước đã giải thể (7.461 DN) chỉ bằng 9,6% so với số DN thành lập mới thì số DN NLTS đã giải thể (199 DN) bằng 11% so với số DN NLTS thành lập mới. Nhìn chung, số lượng DN NLTS chưa nhiều mà lại có xu hướng giảm đi trong thời gian gần đây. Đây chính là vấn đề đáng quan tâm khi Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới.

* Kinh tế hộ nông dân, cả nước có 9,3 triệu hộ nông dân, nhưng quy mô nhỏ: 69% số hộ có quy mô đất sản xuất nông nghiệp bình quân/hộ <0,5 ha, trong đó có 34,7% có quy mô <0,2 ha; 85% số hộ trồng lúa có quy mô nhỏ hơn 0,5ha/hộ, trong đó có 50% số hộ có quy mô nhỏ hơn 0,2 ha/hộ, chỉ có 11,7% số hộ có quy mô >1 ha , mỗi hộ có từ 2-5 mảnh ruộng khác nhau. Điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy tỷ trọng thu nhập từ nông lâm thủy sản trong tổng thu nhập của hộ nông dân ngày càng giảm, và chỉ ở mức 28,1% tổng thu nhập của hộ nông dân.

Đến cuối năm 2016, cả nước có có 31.717 trang trại, trong đó có 5.980 trang trại trồng trọt, 16.523 trang trại chăn nuôi, 144 trang trại lâm nghiệp, 4.104 trang trại thủy sản và 4.963 trang trại tổng hợp. Vốn bình quân của 1 trang trại khoảng 1,3 tỷ đồng và giá trị nông sản hàng hóa bình quân một trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Lao động của các trang trại chủ yếu là lao động gia đình, bao gồm cả chủ hộ trực tiếp tham gia sản xuất (chiếm trên 70%). Tổng diện tích đất trang trại là 133.826,6 ha, so với diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng trong cả nước chiếm 0,6%. Bình quân 1 trang trại có 4,54 ha đất trong đó  trang trại trồng trọt là 89.430 ha, bình quân 10,2 ha/trang trại;  chăn nuôi 16.777 ha, bình quân 1,5 ha/trang trại; tổng hợp 12.636 ha, bình quân 3,1 ha/trang trại; lâm nghiệp 6.739 ha, bình quân 15,7ha/trang trại; thủy sản 6.442 ha, bình quân 1,2 ha/trang trại.

* Về kinh tế hợp tác, đến hết năm 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp có 19 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 10.756 hợp tác xã nông nghiệp (trồng trọt 1.237, chăn nuôi 514, thủy lợi và nước sinh hoạt 577, lâm nghiệp 115, thuỷ sản 663, diêm nghiệp 51, kinh doanh tổng hợp 7.599). Số hợp tác xã nông nghiệp tăng trung bình chỉ khoảng 180 HTX/năm sau khi có Luật Hợp tác xã 2012, riêng năm 2016, số hợp tác xã giảm 189 HTX so với năm 2015. Số thành viên trong các HTX cả nước có khoảng 4,05 triệu (chiếm 27% số hộ nông nghiệp), trung bình 376 thành viên/HTX. Doanh thu đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/HTX. Lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động ước đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã, phần lớn quy mô nhỏ, hoạt động đơn lẻ, thực hiện cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, thiếu liên kết theo chiều dọc, từ cơ sở đến Trung ương, nên thiếu sự liên kết hợp tác, rất khó khăn đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp của các hộ thành viên.

3. Những khó khăn vướng mắc trong thu hút đầu tư của kinh tế tư nhân vào nông nghiệp

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách rất cụ thể nhằm thu hút, khuyến khích phát triển doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, những chủ trương chính sách đến nay chậm đi vào cuộc sống, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư và nông nghiệp. Cụ thể như sau:

- Chính sách đất đai: Doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận đất đai để đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến. Các khó khăn về đất đai thường gặp đối với DN nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, thiếu đất xây dựng trụ sở, khu chế biến, giá thuê đất cao, cản trở chính yếu nhất để doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, kho chứa… Các quy định và hướng dẫn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa đầy đủ, rõ ràng để người dân an tâm góp vốn với DN.

Chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, gia trại, cánh đồng mẫu lớn, đã thực hiện nhưng chậm được tổng kết rút kinh nghiệm nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho DN cũng như người dân thực hiện.

- Chính sách tài chính, tín dụng chưa phù hợp

Vốn đầu tư phát triển cho nông lâm thủy sản có xu hướng giảm dần: bình quân vốn đầu tư phát triển cho nông lâm thủy sản giai đoạn 1996-2000 chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư phát triển, giai đoạn 2001-2006 chiếm 6,4%, giai đoạn 2006-2010 là 6,0%, giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 5,4%. Theo chính sách hỗ trợ khi xây dựng dự án đầu tư nông nghiệp và dự án ứng dụng công nghệ cao, Nhà nước sẽ đầu tư điện, đường đến chân công trình xây dựng dự án, nhưng thực tế, hầu hết các địa phương thiếu ngân sách để đầu tư các công trình này, nên các DN phải tự túc, gây rất nhiều khó khăn khi đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư.

Nhiều DN NLTS tiếp cận vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống ngân hàng và tài chính ở khu vực nông thôn còn quá yếu, thiếu động lực cho vay tại nông thôn, đặc biệt đối với nông hộ và DN nhỏ, do chi phí giao dịch, quản lý, giám sát thấp, nhưng rủi ro cao. Ngoài ra, thủ tục còn nhiều phức tạp nên kể cả khi có những gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước, cũng rất khó để cho nông dân và DN nhỏ tiếp cận mặc dù có nhu cầu thực sự.

Chính sách thuế, phí chưa có sự ưu tiên nhiều so với đầu tư vào các lĩnh vực khác; chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn trong giai đoạn thí điểm, chưa trở thành công cụ bảo hiểm cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tránh được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

- Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa phù hợp, khó tiếp cận

Việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích ưu đãi cho phát triển DN NLTS còn gặp nhiều vướng mắc cản trở. Do thiếu nguồn tài chính để thực thi chính sách hỗ trợ DN nên các địa phương thường tập trung vào các chính sách tốn ít kinh phí như thực thi chính sách miễn, giảm tiền thuê đất hoặc các hỗ trợ nhỏ thông qua các chương trình như đào tạo nghề, hỗ trợ mua máy móc, thiết bị theo chương trình khuyến công…

 Cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương còn thiếu những đánh giá cụ thể về hoạt động của DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Phần lớn các chính sách và chương trình trợ giúp DN đầu tư vào lĩnh vực nông lâm thủy sản chưa được tổng kết, đánh giá cụ thể. Thời gian xây dựng, ban hành một số chính sách còn kéo dài, chưa đi vào cuộc sống, trễ trong triển khai thực hiện, làm mất hiệu quả chính sách. Quy mô hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn hẹp; chất lượng và nội dung hỗ trợ chưa cao. Các hỗ trợ theo cơ cấu vùng, miền và ngành nghề chưa hợp lý. Chính sách hỗ trợ còn thiếu tính đồng bộ, còn đơn lẻ, rời rạc; việc phối, kết hợp giữa các chính sách chưa đồng bộ. Phương pháp xây dựng chính sách còn chậm đổi mới.

Vai trò hiệp hội ngành hàng tham gia vào cơ chế điều hành quản lý ngành hàng còn hạn chế.

- Về thủ tục hành chính và các quy định

Thủ tục và các quy định đặt ra cho DN NLTS đang là một trong những hạn chế đáng quan ngại, có tới 79,2% DN NLTS được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN phát triển.

Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016 của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới cho thấy môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước.

- Năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã còn  hạn chế

Năng lực liên kết với các đối tác, khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường của chủ DN NLTS, HTX còn yếu là nguyên nhân chính gây cản trở tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế, là một ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho hoạt động SXKD của DN NLTS. Do đó, bất ổn về giá cả đầu vào, đầu ra, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phần lớn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

4- Kiến nghị giải pháp thu hút kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu: “Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân…”; “Có chính sách khuyến khích sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chủ yếu dựa vào doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”, để thúc đẩy kinh tế tư nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, xin kiến nghị:

Một là, cần nhận thức, xác định rõ vai trò, lợi thế của nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong nông nghiệp. Cần nhận thức sâu sắc rằng, nông nghiệp nước ta là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại.

Các cơ quan hoạch định, triển khai, thực thi chính sách cần coi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nông nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực cho sản xuất – tiêu thụ nông sản và đầu tư phát triển nông thôn. Các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” có hiệu quả.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp

-  Xây dựng, hoàn thiện thể chế: Tiếp tục hoàn thiện,  xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

- Chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh: Hoàn thiện mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ DN và tăng cường xúc tiến thương mại, quản lý thị trường; Thực thi hỗ trợ về tài chính, thuế và đảm bảo an sinh xã hội có hiệu quả; Khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp, các dịch vụ phát triển kinh doanh.

- Thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp nông thôn. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển công nghệ sinh học, giống cây, giống con chất lượng cao để tạo ra và chủ động được nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

- Tăng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để phát huy lợi thế ở mỗi địa bàn. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, quỹ đầu tư, gắn nghiên cứu với ứng dụng chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại: đánh giá lại toàn diện hoạt động của khu vực DN NLTS, HTX, chủ trang trại; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ; Phát triển quan hệ hợp tác giữa DNNVV với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

Phát triển năng lực các chủ thể kinh tế. Xây dựng chiến lựơc, quy hoạch phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại kinh doanh nông nghiệp và dịch vụ tại nông thôn. Có chính sách phát triển năng lực kinh doanh, doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa quản trị sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

- Chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu chọn giống, canh tác xanh, thu hoạch, sơ chế, chế biến tinh, thương mại, tài chính nông nghiệp. Thúc đẩy các loại hình liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi, thông qua đó nhiều doanh nghiệp mới được hình thành và thu hút doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Ba là, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút, hấp dẫn đầu tư vào nông nghiệp

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ thuận lợi, dễ dàng. Công khai, minh bạch quy hoạch, các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư đảm bảo cho doanh nghiệp dễ tiếp cận tín dung, đầu tư và tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Cải thiện khó khăn trong việc tiếp cận đất đai. Thúc đẩy mạnh mẽ hình thành thị trường trao đổi, thuê mướn đất canh tác, đất nông nghiệp thông thoáng, tháo gỡ vướng mắc hạn điền nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng, phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh trong. Có biện pháp để đảm bảo quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

- Giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp; giảm tổn thất sau thu hoạch; phát triển ngành thú y, bảo vệ thực vật; ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào dự báo, phòng chống các tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan; có chính sách tài chính, tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển thị trường và quản trị doanh nghiệp cho các chủ thể kinh tế.

- Tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại ở các ngành hàng nông nghiệp. Phát triển các hiệp hội, tổ chức dịch vụ, tư vấn để trở thành cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; tham gia đối thoại, tham vấn xây dựng chính sách và thực hiện các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, chủ động hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm./.

Nguyễn Văn Tiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực