Cần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Thứ bảy, 29/10/2016 22:08
(ĐCSVN)- Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (XTTMNN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản ổn định là cần thiết.

Theo ông Đào Văn Hồ, vượt qua khó khăn về thời tiết và biến động của thị trường, năm 2015, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,41%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 30,14 tỷ USD. Năm 2016, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức: tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung lúa gạo, trái cây có múi, cây công nghiệp chủ lực (cà phê, hồ tiêu...) cũng như thủy sản phục vụ xuất khẩu. Tỉ lệ vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân. Trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, nhiều hộ nông dân vẫn lạm dụng các chất hóa học, từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích tăng trưởng, mặc dù đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo nhắc nhở, thậm chí nghiêm cấm.

Thông qua các hội chợ, triển lãm, mở rộng cơ hội trao đổi, tìm kiếm đối tác và thị trường cho nông sản (Ảnh: HNV)

Về xuất khẩu, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng 2016 đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Một số mặt hàng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, thủy sản vẫn giữ được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, một số ngành hàng chủ lực lại có sự sụt giảm đáng kể cả sản lượng và giá trị như gạo (10 tháng đạt 1,9 tỷ USD, giảm 16,9% so với năm 2015), gỗ và các sản phẩm gỗ (đạt 5,54% tỷ USD giảm 0,1%), sắn và các sản phẩm từ sắn (10 tháng đạt gần 806 triệu USD, giảm 26,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2015).

Trong bối cảnh đó, Giám đốc Trung tâm XTTMNN cho rằng, việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản ổn định và có giá trị cao, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; triển khai các hoạt động hiện thực hóa kế hoạch hành động năm an toàn thực phẩm luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Việc triển khai các hoạt động XTTM nói chung và hội chợ triển lãm nói riêng có ý nghĩa quan trọng.

Trong thực tế, các chương trình kết nối đưa nông sản các vùng miền giao lưu, mở rộng thị trường ngay ở trong nội địa đã được Trung tâm XTTMNN triển khai mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Đáng chú ý là các chương trình khai trương chợ nông sản an toàn điện tử, triển khai các chương trình “Địa chỉ xanh, nông sản sạch”, các “Tuần lễ nông sản an toàn”… từ năm 2015 trở lại đây đã đưa Trung tâm XTTMNN trở thành địa chỉ tin cậy của đông đảo người tiêu dùng thủ đô và một số vùng lân cận.

Tổ chức các điểm tư vấn, kiểm nghiệm chất lượng nông sản, thực phẩm an toàn nhân các sự kiện hội chợ, triển lãm (Ảnh: HNV)

Cũng theo ông Đào Văn Hồ, để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản một cách bền vững là hết sức quan trọng. Trước hết, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, hội viên nông dân, làm cho người dân hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách, pháp luật về thương mại cũng như việc kết nối cung cầu giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đông đảo người dân đối với sản phẩm do Việt Nam sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng hóa thị trường trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế để Hội Nông dân các cấp và đông đảo nông dân hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực thương mại nông thôn và nông dân khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế khu vực và quốc tế.

Riêng với các ngành chức năng, trong đó có Trung tâm XTTMNN cần làm tốt hơn nữa công tác XTTM, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản và quảng bá sản phẩm nông sản. Quan trọng hơn cả là Chính phủ, trực tiếp là Bộ NN&PTNT cần tạo điều kiện, cân đối bố trí tăng kinh phí cho hoạt động XTTM xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững. 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực