Cần phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 18/06/2019 17:37
(ĐCSVN) - Việt Nam đã cam kết việc xây dựng một đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), thịnh vượng và bền vững không phải là một lựa chọn, mà là điều bắt buộc. Cam kết này đã được củng cố bằng việc phê duyệt Chương trình hành động tổng thể triển khai Nghị quyết số 120 về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), từ năm 2015 tới nay, WB đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phần lớn đều gắn với Nghị quyết số 120. Trong quan hệ đối tác với chính quyền các cấp, WB đã sử dụng khoản tài chính này cho các chương trình thí điểm sáng tạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) lớn nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH và bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng cho người dân ở nông thôn và thành phố tại các tỉnh và trên toàn vùng. WB cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp tỉnh và Trung ương, cũng như các đối tác trong và ngoài nước khác để đưa ra những quan điểm mới, bằng chứng mới, kiến thức mới, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp với ĐBSCL.

Trong thời gian tới, WB đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết số 120. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương cũng như các bên liên quan khác, nắm bắt các cơ hội đến từ BĐKH, thay đổi nhân khẩu học, các thị trường mới nổi, tiến bộ công nghệ và địa chính trị khu vực. Bất kỳ một hỗ trợ mới nào với ĐBSCL chỉ có thể tạo ra sự khác biệt khi có thể chế mạnh, triển khai hiệu quả, thông tin đầy đủ, cam kết đổi mới sáng tạo, và sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Cần có thể chế mạnh

Theo ông Ousmane Dione, suy nghĩ làm thế nào để tăng cường phối hợp tại ĐBSCL, phải biến chính sách thành hành động trong việc thiết lập một thể chế điều phối khu vực mạnh, giúp phối hợp theo cả chiều dọc và ngang một cách có hiệu lực và hiệu quả. Thể chế đó cần được phân quyền rõ ràng. Quyền cung cấp thông tin và định hướng cho Quy hoạch tích hợp vùng. Quyền lựa chọn các dự án đầu tư cấp vùng để tài trợ cấp vốn. Quyền huy động nguồn tài chính từ nhà nước và tư nhân. Quyền giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch tích hợp vùng.

Cần cải thiện cơ chế phối hợp để có thể quy tụ các lợi ích khác nhau và xác định định hướng phát triển chung cho ĐBSCL. Nó cũng giúp xác định các ưu tiên đầu tư, phân trách nhiệm và chia sẻ lợi ích. Sự phối hợp chặt chẽ hơn sẽ giúp cung cấp thông tin cho việc hiệu chỉnh chính sách và huy động tài chính. Nó sẽ tăng tính hiệu quả trong công tác thực thi ngân sách và thúc đẩy vị thế xuyên biên giới của Việt Nam. Các kinh nghiệm quốc tế từ Úc, Đức, Hà Lan, Nam Phi và Hoa Kỳ đã khẳng định các thể chế điều phối vùng vững mạnh có thể tạo ra nhiều thay đổi lớn. WB  cam kết tiếp tục hợp tác cùng các bạn để xây dựng thể chế điều phối tương tự cho ĐBSCL.

Thể chế mạnh cần một kế hoạch mạnh. Ở ĐBSCL, quy hoạch vùng tích hợp mà Chính phủ đang chuẩn bị có thể đóng vai trò như là khuôn mẫu để xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, thịnh vượng và bền vững thông qua việc xác định cơ cấu kinh tế, đô thị và công nghiệp phù hợp cho khu vực này.

Chỉ có thể xây dựng được quy hoạch vùng tích hợp có ý nghĩa khi có sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan và có cơ sở bằng chứng, phân tích cụ thể. Các nguyên tắc trong quy hoạch vùng tích hợp cần giúp định hướng cho các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là cách duy nhất để không lặp lại câu chuyện quy hoạch thiếu nhất quán và chồng chéo, dẫn đến đầu tư không hiệu quả như trước đây. Với tư cách là các Đối tác phát triển, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo quy hoạch vùng tích hợp mang tính toàn diện và sáng tạo, tối ưu hóa và ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng và thúc đẩy sự gắn kết xã hội, xác định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan.

Cần một cơ chế điều phối vùng hiệu quả và nguồn lực tài chính.

Trong tình hình tài khóa - ngân sách mới tại Việt Nam, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phải được ưu tiên hàng đầu. Để huy động được tài chính, điều quan trọng đầu tiên là phải thiết lập một nền tảng tài chính toàn diện, có thể kết hợp và thúc đẩy các nguồn tài chính của nhà nước và tư nhân, vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại, và phân bổ hiệu quả các nguồn tài chính này cho những dự án đầu tư ưu tiên thông minh với khí hậu. Thứ hai, thúc đẩy một môi trường pháp lý khuyến khích hợp tác giữa các tỉnh và với khu vực tư nhân. Thứ ba, thiết lập một hệ thống phân bổ và thực hiện ngân sách đơn giản và hiệu quả với các ưu đãi tài chính mạnh mẽ và hiệu quả nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư cấp vùng.

Nền tảng tài chính này cần cung cấp nguồn tài chính riêng để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 120 và quy hoạch vùng tích hợp sắp tới, và cần được giám sát phù hợp. Kinh nghiệm quốc tế về Quỹ tín thác, Quỹ tài chính, cơ chế tài chính toàn diện, bao gồm các chương trình hỗ trợ ngân sách trực tiếp, trái phiếu, quan hệ đối tác công-tư (PPP) và tài chính khí hậu có thể mang đến những ý tưởng, bài học kinh nghiệm sâu sắc,có giá trị cho ĐBSCL.

Là các Đối tác phát triển, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ xác định các công cụ tài chính phù hợp, thiết kế các quy định pháp lý và thực hiện huy động vốn. Để hỗ trợ của WB có thể giải quyết các thách thức, WB cần cam kết từ Chính phủ đối với một nền tảng tài chính toàn diện và các dự án đầu tư cấp vùng thích ứng với khí hậu ưu tiên phải được đưa vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch đầu tư trung hạn kèm theo. Nguồn tài chính hiện nay có cũng cần tạo ra có những biện pháp khuyến khích sự phối hợp giữa các bên, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp thông minh về khí hậu mang tính đổi mới và chuyển đổi, và giảm thiểu rủi ro.

Biến các quyết định tương lai thành hành động

Công nghệ và đổi mới tân tiến nhất có thể giúp dự đoán và phối hợp với các động lực phát triển liên tục của ĐBSCL và những thách thức từ bên ngoài. Sự tham gia của các bên liên quan sẽ hiệu quả hơn nếu đi cùng với một hệ thống dữ liệu toàn diện,dữ liệu theo thời gian thực, thông tin và các công cụ hỗ trợ ra quyết định. Điều này sẽ giúp các bên liên quan đánh giá tác động của nhiều động lực thay đổi đối với ĐBSCL, hiểu được các xu hướng và cung cấp thông tin cho các chính sách và hoạt động đầu tư. Một hệ thống dữ liệu toàn diện cũng sẽ cho phép giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động tại ĐBSCL, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Gắn với Chương trình hành động tổng thể triển khai Nghị quyết số 120, WB  sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới và tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ, bao gồm cả việc thành lập Trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, cơ sở dữ liệu tích hợp và ra quyết định dựa trên bằng chứng.

Thể chế, thực hiện, thông tin, đổi mới – sáng tạo và sự tham gia mạnh mẽ của các bên liên quan là những thành phần không thể thiếu cho sự phát triển trong tương lai của ĐBSCL. Với các yếu tố này, con đường phát triển của ĐBSCL sẽ hướng tới thích ứng với khí hậu và bền vững.

Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở ĐBSCL cần có sự phối hợp, cả ở cấp vùng, để sống chung với nước. Cần có sự hợp tác trong vùng và liên tỉnh để giảm thiểu xung đột tiềm ẩn khi vận hành CSHT về nước.

Để sống chung tích cực với nước, cũng cần phải giải quyết các vấn đề về lũ lụt, hạn hán và nhiễm mặn, và xem xét lại các kế hoạch đê bao, kè và cống để tạo dòng chảy tự nhiên và chức năng của vùng lũ. Sống chung với nước cần có các giải pháp khác như sản xuất lúa gạo bền vững, chuyển đổi hệ thống sản xuất, và quản lý hiệu quả rủi ro về lũ lụt, hạn hán, xói lở bờ sông và bờ biển, ô nhiễm nước, và khai thác tài sản tự nhiên ĐBSCL.

Các biện pháp can thiệp có sự phối hợp cũng rất cần để khôi phục trầm tích ở ĐBSCL và giảm tốc độ sụt lún đất, hiện đang diễn ra với tỷ lệ khoảng từ 2-5 cm mỗi năm, và giải quyết vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển. Để làm được điều này cần áp dụng những biện pháp và và công nghệ sáng tạo để quản lý và giám sát tốt hơn hoạt động khai thác nước ngầm, bao gồmgiá nước và ngăn chặn khai thác cát trái phép. Chính phủ Việt Nam cũng phải tích cực tham gia vào các mối quan hệ ngoại giao xuyên biên giới về nước để giảm mất mát trầm tích và chất dinh dưỡng ở đồng bằng này. Các giải pháp và đầu tư sáng tạo có thể bao gồm từ việc tăng khả năng giữ nước đến sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên như bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn.

Để triển khai Nghị quyết số 120, cần chuyên nghiệp hóa và tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và thủy sản thông minh với khí hậu và có ít tác động ở ĐBSCL. Ngành công nghiệp dựa trên nông nghiệp, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển tương lai của ĐBSCL, thay vì tập trung vào sản lượng sẽ phải hướng đến các hoạt động tạo ra giá trị lớn hơn. Kiến thức và dịch vụ hỗ trợ, công cụ quản lý rủi ro, CSHT hỗ trợ, và đầu tư tư nhân có ý nghĩa rất quan trọng để có được những thay đổi này. Tương lai của nông nghiệp ở ĐBSCL đòi hỏi các hợp tác xã nông nghiệp cần xây dựng chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hữu ích và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Nhờ đó ĐBSCL có thể trở thành một vùng kinh doanh nông nghiệp mà vẫn là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp bền vững và có năng suất cao nhất trên thế giới.

Cải thiện tính kết nối cũng là điều kiện bắt buộc để xây dựng ĐBSCL thích ứng với khí hậu, thịnh vượng và bền vững. Là một vùng đất ngập nước rộng lớn, ĐBSCL là một thực thể phức tạp và mong manh. Để tăng cường tính kết nối, cần có các dự án đầu tư vào CSHT có khả năng thích ứng với khí hậu và giao thông đa phương thức phù hợp trong khu vực, bao gồm cả đường thủy nội địa. Có thể nâng cao hiệu quả của các dịch vụ hậu cần bằng cách khai thác mạng lưới đường thủy nội địa của ĐBSCL, tăng cường kết nối đa phương thức và đầu tư vào các hành lang cung cấp chính. Những hoạt động nâng cấp đường thủy trên các nhánh sông và đường bộ ở cấp xã và cấp tỉnh sẽ giảm chi phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến thị trường, và liên kết sản xuất của các cộng đồng nghèo, ở vùng sâu vùng xa với các trung tâm thị trường. Cải thiện kết nối cũng đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả và an toàn của Hành lang Hậu cần Đường thủy phía Nam.

Để đẩy nhanh việc đưa Nghị quyết số 120 từ chính sách thành thực tiễn, đã đến lúc phải kết thúc những cách làm cũ và xây dựng thể chế mạnh mẽ, hỗ trợ thực hiện hiệu quả, có cơ chế tài chính hiệu quả, thúc đẩy đổi mới – sáng tạo, sử dụng thông tin hiện có, và huy động sự tham gia của các bên liên quan. Khi có các yếu tố này làm nền tảng cho các giải pháp kỹ thuật để xây dựng một đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH, thịnh vượng và bền vững, các mục tiêu của Nghị quyết số 120 sẽ thành hiện thực.

 

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực