Chính phủ kiến tạo – động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Thứ năm, 22/06/2017 16:01
(ĐCSVN) – Thuật ngữ “Chính phủ kiến tạo (phát triển)” xuất hiện ở nước ta từ năm 2014. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt tập trung và coi đây là mục tiêu hành động, cương lĩnh hành động của Chính phủ ngay sau khi nhậm chức năm 2016.

Xu hướng chung cho thấy Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, vẫn là nước có năng lực cạnh tranh thấp và trong ASEAN chỉ xếp trên các nước còn lại trong nhóm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).  Do đó, Việt Nam cần thận trọng với tâm lý đạt mục tiêu tăng trưởng cao bằng mọi giá, dẫn tới nới lỏng ổn định vĩ mô và trì hoãn với cải cách. Song song là cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, thông qua việc thực thi Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Tăng cường kiểm soát chi ngân sách thông qua tinh giản biên chế nghiêm khắc, cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời cắt giảm những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào NSNN của khu vực hội, đoàn thể... Về dài hạn, cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn. Cần thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DNNN lớn, tạo nguồn chi đầu tư phát triển. Cắt giảm từng bước lãi suất cho vay trong giai đoạn mặt bằng lãi suất đang hạ nhiệt nhằm tạo cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, củng cố tăng trưởng. Đặc biệt, kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển (Ảnh: B.T)

Trong bối cảnh hiện nay, “Chính phủ kiến tạo” được hiểu như là Chính phủ trao trả những quyền cơ bản nhất, xây dựng luật pháp, bảo vệ các quyền căn bản, để xã hội tự vận hành theo cách hiệu quả nhất. Đây cũng được xem là một bước tiến tới gần hơn bản chất của kinh tế thị trường, định vị lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế đó. Chính phủ thiết lập “luật chơi” và giám sát “luật chơi”. Thừa nhận và bảo vệ “người chơi” trong bản chất cố hữu của nó, tức các quyền căn bản về sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh và các cấu trúc thể chế xã hội tương ứng. Chính phủ thực hiện vai trò của mình với chi phí thấp nhất cho xã hội, để “người chơi” chơi tốt nhất (chính phủ phục vụ, hiệu quả).

Phân tích về “Chính phủ kiến tạo” ở Việt Nam hiện nay, Báo cáo kinh tế thường niên 2017 của Viện kinh tế và chính sách (VEPR) đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình xây dựng “Chính phủ kiến tạo”. Đó là, bộ máy hành chính nhà nước chưa được chuyên nghiệp hóa và kĩ trị hóa; bộ máy nhà nước can thiệp thiếu nguyên tắc và thiếu nhất quán vào các hoạt động của thị trường (vừa thừa vừa thiếu); bộ máy tư pháp thiếu độc lập, dẫn đến không thể kiểm soát được việc lạm dụng quyền lực của các cơ quan Nhà nước; Còn thiếu nhiều cơ chế giải trình chéo giữa các nhánh quyền lực nhà nước; Trách nhiệm giải trình của hệ thống chính trị đối với xã hội còn yếu kém. Chưa có khung khổ pháp lý (luật) điều chỉnh hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là quy trình Đảng giao tiếp và giải trình với người dân (cụ thể hóa Khoản 2, Điều 4, Hiến Pháp 2013). Do đó, để có thể xây dựng một “Nhà nước kiến tạo”, “Chính phủ kiến tạo”, đòi hỏi phải có một sự thiết kế hữu hiệu về khu vực nhà nước: kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, chất lượng quản trị quốc gia. Và để đạt được điều này, cần sử dụng cơ chế cạnh tranh: cạnh tranh trên thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế (vai trò cốt lõi và chủ đạo của khu vực tư nhân), cạnh tranh trong chính trị để nâng cao hiệu quả nền chính trị, phân quyền để kiềm chế quyền lực…

Bởi thế, Báo cáo kinh tế thường niên 2017 đã khuyến nghị, mối quan hệ giữa Đảng, với Nhà nước và xã hội cần được luật hoá nhằm cho phép Đảng tăng hiệu quả lãnh đạo, và Nhà nước hiện thực hóa thông qua luật pháp; Xây dựng hệ thống tư pháp theo hướng chuyên môn hóa, tăng tính độc lập để tăng hiệu quả tư pháp, thực sự thượng tôn pháp luật; Tăng tính kỹ trị của bộ máy hành chính nhà nước và Quốc hội; Tinh giản bộ máy nhà nước và tinh giản sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Hợp nhất quyền lực Đảng với Chính phủ (nhất thể hóa); Kiến tạo môi trường (pháp lý và xã hội) cho sự tham gia nhiều hơn nữa của xã hội công dân vào việc xây dựng xã hội, nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.

Với mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế và thực hiện nhiều hành động quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, giúp kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức. Hiệu quả của những đổi mới được cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thì Chính phủ kiến tạo hành động chính là động lực, là kỳ vọng cho phát triển kinh tế xã hội.

Đáng chú ý là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020… Thêm nữa, Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu về thay đổi tư duy và phương thức điều hành nền kinh tế, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế nhà nước. Cùng với đó là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực đổi mới hơn nữa cải cách thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh, đảm bảo tính hệ thống trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo. Đồng thời, cả Chính phủ lẫn cộng đồng doanh nghiệp đều phải chủ động đối phó nhiều kịch bản thị trường, thiên tai, dư địa chính sách bị ảnh hưởng do nguồn nợ công tăng cao, trong khi nguồn lực tài chính hạn chế và yêu cầu tái cơ cấu kinh tế.

Cho đến thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự phát triển kinh tế của nước ta vẫn phải phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm cũng như những bước đột phá trong chiến lược hành động từ phía Nhà nước, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội. Song song với đó, Chính phủ kiến tạo sẽ là nền tảng bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng phát triển ổn định.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực