Cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp tại Hà Nam

Thứ hai, 27/05/2019 16:01
(ĐCSVN) - Hà Nam hiện có 7/8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động, đã được thành lập, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoạt động khá hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển bất động sản công nghiệp. Cụ thể, là địa phương thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nam được xem là cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội với khoảng cách tới trung tâm khoảng 50 km. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa quan trọng của cả nước và khu vực Bắc bộ đều đi qua, do đó, Hà Nam rất thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương khác trong cả nước cũng như ra các cửa khẩu quốc tế (sân bay 1,5 giờ, cảng biển 2 giờ ô tô). Điều kiện tự nhiên, khí hậu thủy văn, đất đai bằng phẳng, phù hợp với phát triển công nghiệp, nông nghiệp.

Hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nam đang dần dần thực sự khởi sắc (Ảnh: P.V)

Trong những năm vừa qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, kinh tế- xã hội Hà Nam có những bước biến chuyển rất mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP tăng bình quân 11,43%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Song song, tỷ trọng nông nghiệp tuy giảm nhưng cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực từ chuyên canh cây lúa sang các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (tỉnh Hà Nam đã quy hoạch 7 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 500ha).

Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh thông qua việc tỉnh được Chính phủ cho phép phát triển: (1) Khu Đô thị Đại học Nam Cao để đón nhận các Đại học đi chuyển từ Hà Nội, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cấp cao quan trọng; (2) Khu Y tế đón nhận các bệnh viện Trung ương mở cơ sở 2 và các bệnh viện quốc tế, là trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao khu vực phía Bắc, đến nay cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai đã đi vào hoạt động; (3) Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc được lựa chọn là địa điểm đăng cai tổ chức Đại lễ Liên hợp quốc Vesak 2019.

Riêng công nghiệp là lĩnh vực tỉnh có nhiều ưu thế, được đặc biệt quan tâm và có mức tăng trưởng cao trong những năm qua, với trọng tâm là các khu công nghiệp và các dự án đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn Hà Nam hiện có 7/8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đã được thành lập, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hoạt động rất hiệu quả với hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 890 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khoảng 260 với tổng số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, trong những năm gần đây tỉnh Hà Nam là một trong những tỉnh xếp trong top 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trương Quốc Huy, thời gian qua, Hà Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Chính phủ và các Bộ, ngành, Trung ương cũng như sự nỗ lực của chính quyền địa phương. Với mong muốn đem đến cho các nhà đầu tư môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, minh mạch, Hà Nam đã đưa ra 10 cam kết mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các Nhà đầu tư an tâm đầu tư tại tỉnh, như: Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, cam kết đảm bảo cung cấp điện 24/24; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; thành lập đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp; chuẩn bị về đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư;... Đồng thời, điểm mạnh của Hà Nam là sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thể hiện qua sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh, sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư đến đầu tư tại Hà Nam sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi tốt nhất theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh Hà Nam còn ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư của tỉnh để thu hút đầu tư.

Gần đây, tỉnh thường xuyên duy trì đối thoại với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, đúng tiến độ nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Đối với ngành công nghiệp, Hà Nam ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó hướng mạnh thu hút nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, Hà Nam cũng là một trong những tỉnh đầu tiên được Chính phủ cho phép hình thành và phát triển khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản với diện tích trên 300 ha (Khu Công nghiệp Đồng Văn III). Tại khu công nghiệp này, các doanh nghiệp Nhật Bản được hưởng những chính sách ưu đãi đặc thù về thuế thu nhập doanh nghiệp; thời gian và giá thuê đất; hỗ trợ lao động; hỗ trợ về xây dựng nhà ở công nhân... Khu công nghiệp Đồng Văn III nằm ở vị trí hết sức thuận lợi, bên cạnh đường Cao tốc và Cảng cạn ICD, Cảng sông;  thời gian di chuyển đến trung tâm thủ đô Hà Nội. Đến nay, Khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp.

Tỉnh Hà Nam ngoài lựa chọn các nhà đầu tư ngoài năng lực tài chính mà phải lựa chọn các dự án dự án đầu tư không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, có công nghệ tiên tiến, đảm bảo hiệu quả đầu tư được khuyến khích, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp như cơ khí chế tạo, lắp ráp, các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ... Đây cũng là mũi nhọn trong thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2025.

Tới đây, nhằm tiếp tục tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nam, biến những tiềm năng và lợi thế thành động lực phát triển, ông Trương Quốc Huy cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; duy trì nghiêm 10 cam kết với các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng thẩm định, lựa chọn dự án có hiệu quả, đảm bảo môi trường, khuyến khích các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn; tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước vào các lĩnh vực theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của tỉnh, phù hợp với Nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững giai đoạn 2016 - 2025.

Liên quan tới lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Hà Nam nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung đều mong muốn và đã thể hiện bằng nhiều quyết định chính sách ủng hộ cho việc phát triển các khu công nghiệp. Điều đó có nghĩa là thị trường bất động sản công nghiệp hiện nay sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. “Chúng tôi xác định rằng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ thì không chỉ Hà Nam mà tất cả các địa phương theo đó cũng được phát triển theo đà tăng trưởng của thị trường này” – ông Huy nhấn mạnh./.

Lê Nguyễn (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực