Công khai, minh bạch trong công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán

Thứ bảy, 06/04/2019 10:56
(ĐCSVN) - Công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán (TTCK) đòi hỏi sự minh bạch, khách quan và sự chủ động từ chính các nhà đầu tư cùng sự phối hợp của nhiều bên liên quan: sàn giao dịch chứng khoán, các nhà quản lý, doanh nghiệp…

Đây là nội dung được đề cập tại chương trình NDH Talk 09 với chủ đề “Công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán” diễn ra ngày 4/4.

Chương trình có sự điều phối của Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI - Nguyễn Duy Hưng và sự tham gia của ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh - Chuyên gia về Quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Úc (CMA Australia) và ông Trần Đình Cường - Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam.

Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn cũng như giải pháp cải thiện chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, các quy định pháp luật của Việt Nam rất chặt chẽ, tuy nhiên nếu nhìn về việc công bố thông tin của các doanh nghiệp thực tế xảy ra trên thị trường dẫn đến việc nhà đầu tư không hiểu rõ doanh nghiệp dẫn đến quyết định không chính xác.


Các diễn giả tham gia NDH Talk 09 về công bố thông tin của doanh nghiệp trên TTCK (Ảnh: P.V)

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng thì việc công bố thông tin của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đại chúng được nhìn ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, về khía cạnh pháp lý, những quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến CBTT tại Việt Nam là theo chuẩn mực quốc tế thậm chí hơn cả chuẩn mực quốc tế. Theo quốc tế, doanh nghiệp chỉ công bố thông tin hàng quý, hàng năm kiểm toán. Còn Việt Nam, doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin hàng quý, 6 tháng soát xét, hàng năm có kiểm toán. Và hiện tại, hệ thống quản lý doanh nghiệp ở quốc tế chủ yếu được thực hiện theo bộ thông lệ. Ở Việt Nam thì đưa vào quy định của pháp luật, cụ thể Nghị định 71, tới đây đưa hẳn vào trong luật. Thứ hai, khuôn khổ chặt chẽ nhưng thực hành lại có nhiều vấn đề. Ở hướng tích cực, 5 năm qua số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin giảm nhiều. Theo đánh giá độc lập bên ngoài (ví dụ như Vietstock), số doanh nghiệp đáp ứng theo tiêu chuẩn ở năm 2018 tăng gấp đôi so với 2017. Ở mặt chưa tốt, Số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin vẫn còn nhiều. Năm 2018, UBCK ban hành gần 400 quyết định xử phạt, hơn 50% là vi phạm CBTT. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty cũng có vấn đề. So sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị công ty của chúng ta ở mức thấp nhất.

Ông Phan Lê Thành Long, với tư cách là người quan sát thị trường cho rằng, việc công bố thông tin có thể chia ra thành công bố thông tin về tài chính và thông tin phi tài chính. Cụ thể, về công bố thông tin tài chính, hiện nay trên thị trường có khá nhiều bất cập, từ việc công bố, chất lượng thông tin đến chính bản thân hệ thống về chuẩn mực kế toán. Xét về chuẩn mực kế toán, Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia đang đi đường riêng, ko theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp niêm yết gặp hạn chế trong việc công bố thông tin tài chính. Chất lượng báo tài chính theo đó có thể bị ảnh hưởng.

Ông Trần Đình Cường, một người của công ty kiểm toán số 1 trong Big4, Ernst & Young (E&Y) là đơn vị kiểm toán nhiều nhất trên thị trường chia sẻ, nếu nhận xét về chất lượng kiểm toán chung, chúng ta sẽ đồng thuận với nhau rằng chất lượng kiểm toán tăng lên rất nhiều trong thời gian qua. Chất lượng công bố thông tin tốt hơn so với trước đây. Nhìn tổng thể chúng ta đang đi lên không phải đi xuống, tất nhiên chúng ta vẫn đang ở vị thế thấp.

Riêng bà Nguyệt Anh đến từ IFC - tổ chức tài chính phát triển; trong những chuẩn mực IFC mang đến thị trường, ngoài đầu tư, IFC còn có dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật trực tiếp cho các công ty, cơ quan quản lý, các bên khác tham gia thị trường – nhấn mạnh: TTCK Việt Nam hiện được coi là một trong những thị trường phát triển nhất khu vực. Số lượng công ty niêm yết là gần 700, hàng nghìn công ty đại chúng, chưa kể các công ty gia đình. Quy mô thị trường lớn, khối lượng công việc chúng ta cần thực hiện khá lớn so với các nước trong khu vực. Chúng tôi đã làm việc tại Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia. Những nước đó chỉ có vài công ty niêm yết. Với Việt Nam, khối lượng công việc nhiều hơn. Chất lượng công bố thông tin đã đi lên rõ rệt, ví dụ như giải báo cáo thường niên của HoSE phối hợp với VIR và Dragon Capital, hiện có cả HSX tham gia. Sau 10 năm, chất lượng báo cáo đã có thay đổi, thẻ điểm quản trị ASEAN dù thấp nhưng có thay đổi. Cách đây 5 năm, chúng ta chỉ có 30 công ty có báo cáo bằng tiếng Anh, được chọn tham gia đánh giá. Đến 2018 đã có 70 công ty, điểm số cũng tăng lên.

Hệ thống luật pháp Việt Nam đã có thông tư, nghị định, Luật Doanh nghiệp, quy định ngành ngân hàng, có thay đổi rõ rệt, đưa các chuẩn mực quốc tế vào định hướng cho công ty Việt Nam. Các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều công ty trên thị trường vẫn chưa nhận ra họ cần vượt qua yêu cầu tuân thủ pháp lý để huy động vốn, duy trì niềm tin cổ đông. Do đó, các công ty cần chú trọng hơn nữa.

Cũng theo các diễn giả, sự giám sát từ thị trường nói chung là quan trong nhất, đặc biệt là nhà đầu tư, mà ở Việt Nam là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tất nhiên, nhà đầu tư cần có một sự giám sát đúng nghĩa. Khi bị thị trường giám sát, tức là DN bị đánh vào lợi ích. Bị đánh vào lợi ích, DN khi đó mới có ý thức làm đúng luật. Hơn nữa, liên quan tới kiểm toán thông tin tài chính của DN, thiết nghĩ, nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình kiến thức để xem thực sự vấn đề như thế nào. Bởi kiểm toán ở Việt Nam bị một số giới hạn, trong khi luật chứng khoán cũng gặp khó khi đưa ra định nghĩa về các bên liên quan. Đồng thời, truyền thông, báo chí, với khả năng điều tra, nên đóng vai trò cảnh báo cho nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phải có hiểu biết về DN, nâng cao khả năng giám sát thị trường…

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực