Cục Xúc tiến Thương mại đồng hành cùng Chương trình OCOP

Thứ tư, 24/04/2019 16:02
(ĐCSVN) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai sâu rộng trên hầu khắp các địa phương trong cả nước và đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân vùng nông thôn.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Nhiều sản phẩm OCOP đã bắt đầu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và ưa chuộng với lợi thế là các sản phẩm gần gũi với nhu cầu tiêu dùng phổ thông như các sản phẩm thực phẩm, đồ uống; sản phẩm chăm sóc sức khỏe; sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái; sản phẩm thời trang; sản phẩm trang trí, sản phẩm phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần…

Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) luôn xác định vai trò quan trọng của công tác xúc tiến thương mại trong việc mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Theo cách tiếp cận chuỗi giá trị hiện nay, xúc tiến thương mại còn tham gia từ khâu phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP.

Trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) Quốc gia, từ năm 2018, Bộ Công Thương đã phê duyệt đề án Tổ chức Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc do tỉnh Quảng Ninh chủ trì thực hiện và hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách của Chương trình XTTM quốc gia. Cục XTTM đã phối hợp, hỗ trợ Trung tâm XTTM tỉnh Quảng Ninh tổ chức thành công Hội chợ nêu trên vào tháng 4/2018 với kết quả ban đầu đáng khích lệ. Hội chợ có sự tham gia của 160 doanh nghiệp Việt Nam và trên 30 doanh nghiệp nước ngoài với qui mô 460 gian hàng, thu hút được trên 108.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh số bán hàng tại Hội chợ đạt trên 10 tỷ đồng. Hội chợ thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, đồng thời giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm khác hàng đồng thời cũng góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất về chương trình OCOP và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP.

Mặc dù Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm có lợi thế của các địa phương, tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, nhưng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, đưa chương trình đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, Chương trình vẫn cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, có chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Ở góc độ xúc tiến thương mại, Cục XTTM cho rằng với thế mạnh về danh tiếng sẵn có, sự đang dạng về chủng loại hàng hóa dịch vụ và tiềm năng thương mại hóa lớn, có thể khai thác nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Cũng theo Cục XTTM, trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, các đơn vị chủ trì như các tổ chức xúc tiến thương mại địa phương, hiệp hội ngành hàng, liên minh hợp tác xã, Hội Nông dân có thể nghiên cứu, xây dựng đề án xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP đăng ký Chương trình XTTM quốc gia để được hỗ trợ nguồn lực thực hiện, tập trung vào các hoạt động sau:

Về hoạt động XTTM hỗ trợ phát triển thị trường nội địa cho các sản phẩm OCOP: Tổ chức các hội chợ triển lãm cấp vùng thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của các vùng miền, mở rộng kênh tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi liên kết bền vững từ khâu vật tư sản xuất, sản xuất chế biến, thương mại đến tiêu dùng. Kết hợp tổ chức hội chợ triển lãm lồng ghép với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của địa phương nhằm gắn kết giữa hoạt động xúc tiến thương mại với hoạt động xúc tiến du lịch và giao lưu văn hoá, tăng cường sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và du khách trong và ngoài nước tham quan mua sắm. Mặt khác, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ tại Hội chợ không chỉ giữa các doanh nghiệp, địa phương trong cả nước, mà còn mở rộng sự tham gia của các nước trong khu vực đang triển khai phong trào OCOP như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, liên kết đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước.

Tổ chức các hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP theo ngành hàng thực phẩm và đồ uống, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm du lịch... hoặc Triển lãm chuyên sản phẩm OCOP tại các sự kiện thương mại chuyên ngành, hội chợ Công Thương, hội chợ nông nghiệp, lễ hội văn hóa du lịch quy mô cấp vùng hoặc toàn quốc.

Tổ chức, huy động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các phiên chợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tới các khu vực lân cận, hoặc xa hơn là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo giúp các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, tăng thị phần cung cấp hàng hoá, nắm bắt nhu cầu thị hiếu, tập quán tiêu dùng qua đó cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm với giá thành hợp lý phục vụ khách hàng; tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, làm nền tảng cho sự phát triển thương mại nội địa bền vững.

Về hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu: Lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP có khả năng xuất khẩu tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Trung Đông; tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự các sự kiện quốc tế của phong trào OCOP tại các nước kết hợp khảo sát thị trường, tăng cường các hoạt động giao thương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc, đàm phán với đối tác nhập khẩu tại các sự kiện này.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ như hội nghị kết nối cung cầu, sự kiện trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại các thành phố lớn, các địa điểm du lịch nổi tiếng nhằm gia tăng cơ hội gặp gỡ trực tiếp với các du khách, nhà nhập khẩu nước ngoài để tìm hiểu nhu cầu thị hiếu, phát triển sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Về hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm: Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trực tiếp hoặc trực tuyến trên mạng internet cho đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, cung ứng sản phẩm OCOP. Chủ đề đào tạo thiết thực với nhu cầu của doanh nghiệp như kỹ năng quản lý, kỹ năng bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối để xây dựng mạng lưới bán lẻ hoạt động hiệu quả, sâu sát đến từng vùng, miền. Về phát triển sản phẩm, cần trang bị kiến thức đi đôi với hướng dẫn thực hành cho người sản xuất kỹ năng nghiên cứu phát triển sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất như VietGap, GlobalGap, Organic, Fairtrade; xu hướng thị trường, quy định của các nước nhập khẩu…

Ngoài ra, hiện nay Cục XTTM đang đầu mối triển khai "Chương trình Xây dựng Thương hiệu Thực phẩm Việt Nam" và "Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm". Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ phát triển hình ảnh thương hiệu và tư vấn thiết kế hệ thống nhận diện, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP tiêu biểu, có tiềm năng xuất khẩu của các địa phương tham gia các chương trình trên nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới đủ khả năng tham gia xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ có nhu cầu lớn nhưng cũng yêu cầu cao về chất lượng và hình thức sản phẩm.

Cũng theo Cục XTTM, các tổ chức XTTM địa phương cần chủ động thông tin, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cộng đồng OCOP tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, đưa sản phẩm OCOP lưu thông tại các hệ thống phân phối hiện đại; xây dựng nội dung truyền thông, câu chuyện về sản phẩm gắn với lịch sử, bản sắc địa phương và tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hoặc tại các sự kiện ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, lễ hội, sự kiện thể thao... Với chủ trương đúng đắn của Chính phủ, với sự nỗ lực của các Bộ ngành Trung ương cũng như các địa phương trong việc đề ra định hướng phát triển các sản phẩm OCOP, với việc xác định đúng đắn vai trò then chốt của các hoạt động xúc tiến thương mại trong chu trình phát triển các sản phẩm OCOP, các địa phương sẽ triển khai ngày càng có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực