Đại học Đồng Tháp: Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp

Thứ hai, 19/11/2018 14:59
(ĐCSVN) - Những năm gần đây,vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn là nỗi trăn trở của nhiều tân cử nhân, gia đình, nhà trường và xã hội. Với trách nhiệm của một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực,Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực để góp phần hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp.
Ngày hội việc làm năm học 2017 – 2018 (Ảnh: D.A)

Theo đó, kế hoạch chiến lược phát triển của Trường là xác định mục tiêu đào tạo của nhà trường là: “Đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động...”

Cụ thể, Trường Đại học Đồng Tháp đã từng bước chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên quy mô sang mô hình tăng trưởng dựa trên chất lượng và hiệu quả, hướng đến các mục tiêu cụ thể về dịch vụ xã hội và cộng đồng; đồng thời hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ mũi nhọn và chuyên sâu, đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, các trường đại học, cao đẳng và tăng cường liên kết vùng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Xu hướng giáo dục đại học hiện đại xác định vấn đề đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng.Trước yêu cầu đó, Trường Đại học Đồng Tháp luôn quan tâm kiến tạo, phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và thế giới việc làm, đơn vị tuyển dụng lao động- nơi mà sinh viên sẽ tìm kiếm được việc làm sau tốt nghiệp.

Đồng thời, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người học, nhằm góp phần tăng tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, thực hiện“chiến lược phát triển hợp tác”là một nội dung ưu tiên. Nhà trường luôn thúc đẩy sự hợp tác và coi hợp tác là một giá trị cơ bản. Đó là giữ gìn, phát triển và mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương giữa trường với các địa phương, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, cùng phát triển, cùng phối hợp đào tạo và kết nối sử dụng nguồn lực sinh viên sau tốt nghiệp.

Thực hiện tốt chiến lược phát triển hợp tác, nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt là xác định người học cần gì hoặc muốn học gì về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đồng thời, nhà trường sẽ xây dựng được một quy trình đào tạo phù hợp, gắn kết với thực tiễn; có thể sử dụng nguồn lực của thế giới việc làm cho đào tạo và nghiên cứu, bao gồm: cung cấp cơ sở thực hành, thực tập nghề nghiệp cho sinh viên, cử giảng viên thỉnh giảng, hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, nhà trường sẽ có nhiều cơ hội tốt để tiếp cận với các đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình hợp tác.

Với chiến lược phát triển hợp tác, các đơn vị tuyển dụng lao động có cơ hội để tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng ngay yêu cầu của thực tế công việc mà không phải đào tạo lại; có thể ứng dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm, dịch vụ; có thể sử dụng nguồn chất xám từ đội ngũ giảng viên của trường đại học thông qua các chương trình hợp tác; có thể cải tiến quy trình công nghệ, cập nhật các thông tin khoa học.


Sinh viên tham gia phỏng vấn tại hội chợ việc làm (Ảnh: D.A)

Trường ĐH Đồng Tháp cũng đang tập trung đầu tư có chiều sâu cho đào tạo sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao, gắn hoạt động đào tạo sau đại học với nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học các cấp; tập trung đào tạo sinh viên có chuyên môn và kỹ năng đáp ứng theo nhu cầu của thị trường lao động.Cùng với việc kiên định mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo với việc triển khai đồng bộ các giải pháp (đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý...), nhà trường đang từng bướcxây dựng mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trong các hoạt động tìm hiểu nhu cầu lao động, bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp, phối hợp trong công tác thực tập và hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Nhà trường giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụkhảo sát nhu cầu việc làm theo từng năm và dự báo các năm tiếp theo của các đơn vị sử dụng lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long để kịp thời tư vấn và giới thiệu cho sinh viên; định kỳ 6 tháng, các khoa và phòng chức năng của Trường ĐH Đồng Thápcó hình thức liên hệ trực tiếp đến sinh viên đã tốt nghiệp để ghi nhận tình hình việc làm và có sự hỗ trợ cần thiết…

“Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, người học hình thành hai tố chất: Năng lực tư duy sáng tạo và năng lực hành động sáng nghiệp - năng lực tạo lập việc làm cho mình và cho người khác trong môi trường cạnh tranh và thay đổi không ngừng” là một mục tiêu hướng đến của Trường Đại học Đồng Tháp. Vì vậy, cùng với quy định chuẩn đầu ra đối với người học được cập nhật, nhà trường đã bổ sung “chuẩn công tác xã hội dành cho người học” để góp phần gắn kết sinh viên với cộng đồng, tổ chức thường xuyên các lớp học chuyển giao kinh nghiệm làm việc, các khóa đào tạo kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, nhà trường đang tổ chức phát triển chương trình đào tạo để bổ sung môn học “Kỹ năng tìm kiếm việc làm” và các chuyên đề hữu ích, thiết thực vào giảng dạy và chia sẻ cho sinh viên của trường.  

Diệu Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực