Đẩy mạnh phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN trong bối cảnh hội nhập

Thứ ba, 07/08/2018 16:19
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, được Chính phủ giao là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp
Chính thức triển khai từ tháng 11/2014 với các thủ tục ban đầu bao gồm 01 thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D của Bộ Công Thương và 03 thủ tục liên quan đến quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, tới nay, đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia.
Là thành viên của ASEAN, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước ASEAN trong việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình chung của ASEAN. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Kết quả, đến ngày 15 /7/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước nêu trên là 32.949 C/O. Tổng số C/O Việt Nam gửi tới 04 nước là 16.214 C/O. Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines để thiết lập, kết nối hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời đang phối hợp với các nước: Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống phục vụ trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN. Không chỉ dừng lại trong khu vực, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn từ góc độ các cơ quan chính phủ, những kết quả thực tế đem lại trong quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã tạo được lòng tin và xây dựng quyết tâm chính trị cao đối với Lãnh đạo các cấp về tính khả thi, hiệu quả, hiệu lực của việc triển khai những nội dung này. Qua đó, liên tục các năm từ 2014 đến 2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đàu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh luôn được đặt trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác, trong khối các cơ quan chính phủ, sự hoài nghi về tính khả thi, năng lực của hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng tiếp nhận và thay đổi thói quen hành chính của công chức thừa hành khi áp dụng phương thức quản lý mới, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính dần tan biến và thay vào đó là quyết tâm rất cao từ các cấp lãnh đạo tại các Bộ, ngành. Trong khối cơ quan chính phủ, nhận thức về một xu hướng tất yếu phải cải cách, áp dụng công nghệ quản lý mới theo chuẩn mực quốc tế đã hình thành và chiếm vị trí chủ đạo khi xây dựng chính sách và thể chế.
Nhìn từ cộng đồng doanh nghiệp, những đối tượng chịu tác động chính từ sự thay đổi về chính sách và công nghệ quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các đối tượng này đều có phản ứng hết sức tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan chính phủ. Tại tất cả các hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong khuôn khổ quốc gia hay tại các hội nghị của ASEAN, tất cả các hiệp hội ngành nghề, trong và ngoài nước, đều bày tỏ mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng hơn nữa về phạm vi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách sâu rộng hơn nữa trong công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này, một mặt cho thấy lòng tin từ phía cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hiện cam kết về một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động; mặt khác, nó cho thấy kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan chính phủ.
Không chỉ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này. Đặc biệt, các đối tác phát triển nói trên của Việt Nam đều bày tỏ mong muốn sẽ có những hỗ trợ thiết thực thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho các cơ quan chính phủ để đẩy nhanh tiến trình cải cách nhằm phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh: Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).
Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới. Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 04 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN. 
Vẫn còn những tồn tại
Kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu tại Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 53/283 thủ tục). Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến.
Bên cạnh đó, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy thủ tục hành chính còn thấp.
 Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Hiện tại Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan (gửi hồ sơ và nhận kết quả thông qua chứng từ điện tử và quyết định hành chính điện tử) mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như công tác điều hành của các cơ quan chính phủ trên cơ sở chia sẻ thông tin. 
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính chưa kết nối đầy đủ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như tạo tiện ích để rút ngắn thời gian vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, sân bay quốc tế, kho bãi; thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới... qua đó rút ngắn thời gian thông quan tại cửa khẩu.
Đồng bộ các giải pháp
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện nay, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những thay đổi to lớn về thương mại nói chung và thương mại (bao gồm cả thương mại điện tử) qua biên giới nói riêng liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của người và phương tiện; chuỗi cung ứng toàn cầu,… Các nền tảng và phương thức quản lý mới xuất hiện như chuỗi khối (blockchain), chuyển đổi số (digital transformation),… mang đến những cơ hội và thách thức to lớn cho cộng đồng thương mại và chính phủ các nước. 
Nắm bắt được xu hướng phát triển này, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm tranh thủ những cơ hội mà Cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Một loạt các chính sách, nghị quyết đã được ban hành như: Nghị quyết số 19/NQ-CP từ năm 2014 đến 2018, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ… được ban hành nhằm tạo ra những cú hích quan trọng để phát triển doanh nghiệp, kinh tế, xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Trong đó, thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại, đẩy mạnh giao lưu hàng hóa qua biên giới,… là giải pháp quan trọng và được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích nhiều lợi ích 
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.
Đến 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan...
Để làm đc những việc này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành. 
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” được tổ chức gần đây, Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc  đã đề nghị Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện, trình Nghị định và Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy NSW, ASW, tạo thuận lợi thương mại để sớm ban hành. Đây được xem là sản phẩm quan trọng của Hội nghị.
 Trong Nghị định và Kế hoạch hành động, phải đề xuất cải cách mang tính đột phá sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, đặc biệt công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ các tồn tại, bất cập, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế và khu vực. Đây chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, không được dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).
Theo Thủ tướng, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực