Để doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường

Thứ bảy, 10/02/2018 21:11
(ĐCSVN) - Là một doanh nhân sống và làm việc trong thời đại Đổi mới của đất nước, tôi rất mong muốn được chia sẻ quan điểm cá nhân và góp tiếng nói của mình để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

 

Sản xuất dây cáp điện tại Công ty cổ phần thiết bị điện Hàn Quốc (Ảnh: Đ.H)

Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng xác định: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yếu tố khách quan; Là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển; Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ; Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đó là sự thay đổi quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đã đem lại niềm tin cho tất cả các doanh nghiệp trên cả nước.

Trước tiên tôi xin đề cập về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay như sau:

Trong những năm qua, những thành tựu mà kinh tế tư nhân đạt được là rất to lớn. Khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003-2015 là 10,2%/năm, cho đến nay đã có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực. Đã hình thành nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có thương hiệu, có uy tín trong  nước và quốc tế, như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Phú Thái... Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 39-40% GDP cho đất nước. Trong đó kinh tế tư nhân chiếm 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa. Kinh tế tư nhân thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, hàng năm tạo ra khoảng 1 triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào quá trình giải phóng sức sản xuất.

Chính kinh tế tư nhân giúp người lao động có nhiều sự lựa chọn việc làm, thông qua sự cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực của khối doanh nghiệp tư nhân mà người lao động có thu nhập ngày càng cao, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động ngày càng cải thiện. Ngoài sự đóng góp ở trên, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn có sự đóng góp nổi bật vào sự phát triển xã hội như xây dựng hệ thống đường sá giao thông, thủy lợi, xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thành lập nhiều hệ thống trường học đạt chuẩn Quốc tế, xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương và các công trình phúc lợi khác... trên mọi miền Tổ quốc

Bên cạnh những thành quả đạt được, kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có đến 97% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể (chiếm khoảng 95% tổng số các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân) và doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ có mức vốn dưới 1 tỷ đồng; Rất nhiều doanh nhân có tư duy phát triển kinh tế manh mún chưa có chiến lược lâu dài.

Trình độ quản trị yếu kém, tính liên kết còn yếu, năng lực tài chính nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nên rất khó khăn để đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, cộng với thị trường lao động có trình độ thấp, đa phần chưa được đào tạo dẫn tới năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp do các doanh nghiệp tư nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của chuỗi giá trị. Cơ cấu đầu tư vào các ngành nghề rơi vào tình trạng trạng mất cân đối, chỉ có 1% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ đầu tư vào công nghiệp hóa nông nghiệp còn rất thấp.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tư nhân đặt lợi ích của riêng mình lên trên lợi ích của xã hội, chưa quan tâm tới môi trường, thậm trí còn gây lên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong các làng nghề như làng nghề sản xuất giấy, dệt, nhuộm, tái chế phế liệu...

Từ thực trạng của các doanh nghiệp tư nhân ở trên, tôi xin đề xuất đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như sau:

1. Kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất: Doanh nghiệp tư nhân mong muốn giảm được thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Doanh nghiệp cũng cần các cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước nên đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử hiện đại, để tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng. Đào tạo, bồi dưỡng, tư tưởng thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kiểm tra giám sát trong thực thi công vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nhằm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp” theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thứ hai: Doanh nghiệp tư nhân cần có đầy đủ thông tin từ các cơ quan nhà nước về quy hoạch tiềm năng vùng, quy hoạch ngành nghề để doanh nghiệp có thể lựa chọn đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân cũng cần có đầy đủ các nguồn lực đầu vào về đất đai, về nguồn nhân lực có tay nghề, về điện, viễn thông, công nghệ thông tin, về nguồn vốn vay ưu đãi, về dịch vụ công, về đường sá giao thông thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Nhà nước nên quy hoạch vùng, quy hoạch định hướng phát triển các ngành nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm khai thác tốt tiềm năng từng vùng, từ đó kêu gọi sự tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá giao thông, xây dựng hạ tầng điện, viễn thông, công nghệ thông tin, các trường đào tạo nguồn nhân lưc, tài chính ngân hàng, các trạm xử lý nước thải, chất thải; xây dựng khu dịch vụ công cộng như dịch vụ tư vấn pháp lý, dịch vụ y tế, các khu vui chơi giải trí...nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tư nhân có nhiều hơn cơ hội phát triển.

Thứ ba: Để thành công thì yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào đó là thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà họ sản xuất, kinh doanh. Muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và dịch vụ họ cần thông tin thị trường trong và ngoài nước, thông tin dự báo các xu hướng tiêu dùng. Vì vậy, Bộ Công Thương thông qua cơ quan quản lý thị trường, tham tán thương mại ở các nước... xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp dịch vụ thông tin thị trường chính xác cho các doanh nghiệp tiếp cận khi họ cần lựa chọn hàng hóa và dịch vụ cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.

Thứ tư: Doanh nghiệp tư nhân cần tiếp cận công nghệ tiên tiến, để đổi mới công nghệ hoặc quyết định lựa chọn công nghệ phù hợp với khả năng, năng lực có thể khai thác tối ưu. Vì vậy, Nhà nước nên xây dựng trung tâm dịch vụ kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, đồng thời Nhà nước nên đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ sau đó bán sản phẩm đó cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê. Đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp các xu hướng sử dụng máy móc thiết bị công nghệ hiện đại trên thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ. Nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.     

Thứ năm: Nhà nước cần giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tăng cường coi trọng việc tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và trả lời, giải đáp những vướng mắc kịp thời của doanh nghiệp ở các cấp, các ngành.

2. Đối với mỗi doanh nghiệp, doanh nhân

Thứ nhất: Bản thân mỗi doanh nhân nên xây dựng cho mình phong cách lãnh đạo bài bản, chuyên nghiệp, thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân và niềm tự hào dân tộc, đáp ứng được yêu cầu hội nhập của đất nước. Vì vậy, mỗi doanh nhân cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn của cuộc sống cũng như trong công việc. Đồng thời mỗi doanh nhân không ngừng sáng tạo để đổi mới thường xuyên các hoạt động của doanh nghiệp theo hướng ngày càng hiệu quả.   

Thứ hai: Trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp tư nhân cần lưu ý đến các khía cạnh như: Doanh nghiệp nên nghiên cứu thị trường, xác định thị trường mục tiêu mình nhắm đến phục vụ phù hợp với khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Tiếp theo là xác định sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp với chất lượng, giá cả như thế nào. Đồng thời doanh nghiệp tư nhân xác định các yếu tố đầu vào như lựa chọn máy móc thiết bị, công nghệ, tiếp cận khu vực đầu tư, đất đai, nhà xưởng kho bãi, nguyên nhiên vật liệu... phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp mình.

Thứ ba: Doanh nghiệp cần lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp phù hợp để tối ưu hóa các nguồn lực của mình. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào trong quá trình điều hành doanh nghiệp, xác định cơ cấu tổ chức, các vị trí việc làm để tuyển số lượng, chất lượng lao động với chi phí hợp lý; điều hành quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhằm nâng cao năng xuất lao động và giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ. Tổ chức bộ phận tài chính kế toán thu xếp nguồn tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tổ chức hoạch toán kế toán theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức bộ phận kinh doanh làm tốt công tác nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường về hàng hóa và dịch vụ phù hợp với doanh nghiệp, từ đó xây dựng chính sách giá cả, xây dựng và khai thác tốt hệ kênh phân phối để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Tổ chức hoạt động kiểm soát trong doanh nghiệp đảm bảo các bộ phận thực hiện đúng mô hình quản lý doanh nghiệp đã xây dựng.

Thứ tư: Doanh nghiệp tư nhân muốn tồn tại và ngày càng phát triển thì doanh nghiệp tư nhân cần thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp của mình, từ đó cần thường xuyên cải tiến, đổi mới doanh nghiệp thích ứng với sự vận động không ngừng của xã hội.

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, tôi mong rằng bản thân doanh nghiệp tư nhân cần có tầm nhìn chiến lược, chú trọng xây dựng thương hiệu, nỗ lực chủ động khắc phục khó khăn để vươn lên khẳng định mình, chủ động tìm kiếm thị trường, áp dụng những thành tựu công nghệ mới vào sản xuất, phấn đấu sản xuất ra hàng hóa đạt chất lượng quốc tế, chuẩn bị tốt cho việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đồng thời doanh nghiệp tư nhân chúng ta cần phải xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình, lấy chữ “Tâm” và chữ “Tín” làm đầu. Tôi tin rằng doanh nghiệp tư nhân của chúng ta trong tương lai sẽ sớm khẳng định là một trong những lực lượng trụ cột của nền kinh tế đất nước.

 

Nguyễn Thanh Hiệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực