Đưa cam, quýt trở thành một trong những chủ lực nông nghiệp Bắc Kạn

Thứ năm, 20/12/2018 09:36
(ĐCSVN) – Là một tỉnh miền núi trung tâm các tỉnh Việt Bắc, Bắc Kạn có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nổi bật là gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và các sản phẩm nông sản có thương hiệu tập thể, có chỉ dẫn địa lý. Đáng chú ý là, hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô tương đối lớn, sản phẩm đạt chất lượng, từng bước thâm nhập thị trường phân phối

Đặc biệt, chú trọng phát triển cây cam, quýt, đưa sản phẩm này trở thành một trong những chủ lực nông nghiệp của tỉnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị “Giới thiệu Tuần lễ sản phẩm cam, quýt và sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) Bắc Kạn tại Hà Nội 2018” diễn ra chiều 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải khẳng định: Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 5,1%. Thị trường hàng hoá đa dạng phong phú đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến nông, lâm sản được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương.

Sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn tại Hội chợ nông đặc sản vùng miền và Tuần lễ cam Hà Giang, quýt Bắc Kạn 2018 tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải, liên quan tới cam, quýt, năm 2017, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thi sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn niên vụ 2017- 2018 và Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm và các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn; kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn và hàng năm; xây dựng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án xúc tiến thương mại như Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, giới thiệu và vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư. Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất cam, quýt và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn

Đã từ lâu, quýt Bắc Kạn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị, thơm, chua dịu, ngọt mát… không trộn lẫn với bất cứ sản phẩm quýt của vùng khác. Từ đầu những năm 1980, người dân khu vực xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đã phát triển thành các vùng chuyên canh cây quýt. Diện tích cây quýt được trồng mở rộng dần ra những xã, vùng lân cận và đến nay đã trở thành hàng hóa. Năm 2012, Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn, đến nay diện tích cam quýt đạt 3.501 ha, diện tích dự kiến cho thu hoạch 2.100 ha, sản lượng dao động từ 17.000 - 20.000 tấn/năm.

Hội nghị giới thiệu Tuần lễ sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018 (Ảnh: HNV)

Cùng với việc phát triển diện tích, tỉnh Bắc Kạn cũng đã chú trọng về nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ ba (khóa XI) là đã đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 sẽ thực hiện thâm canh, cải tạo tăng năng suất 2.300 hacây ăn quả (gồm các loại cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ), trong đó đưa ra mục tiêu có 300ha sản xuất theo quy trình VietGAP và xác định canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh, giúp nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường lớn.

Bên cạnh sản phẩm quýt Bắc Kạn, gần đây, Bắc Kạn còn phát triển thêm những cây trồng có múi có chất lượng như cam xã đoài, cam Vinh, các giống bưởi đặc sản...thông qua các mô hình thử nghiệm đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của các giống cây ăn quả có múi đối với điều kiện sinh thái cũng như khả năng thâm canh của nông dân trên địa bàn tỉnh, từ đó khuyến cáo người dân mở rộng diện tích.

Ngoài ra, phải kế đến một số sản phẩm OCOP khác như: hồng không hạt, miến dong, gạo Bao Thai, gạo nếp thơm, khoai môn Bắc Kạn, rau bò khai, bí xanh thơm, cây gừng, cây nghệ…

Thêm vào đó là nhiều sản phẩm nông sản chế biến đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như măng khô, lạp sườn thịt lợn hun khói, chuối sấy, rượu chuối, bún khô, tinh dầu sả chanh...

Tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh

Sản phẩm nông sản sau khi được người dân sản xuất, đa phần do các doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương trong tỉnh thu mua để chế biến hoặc đem đi bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm nông sản chưa hình thành được tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, do vậy năng suất, sản lượng còn thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế đem lại còn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Cũng phải khẳng định rằng, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực, giúp cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Để có được điều đó, tỉnh đã chỉ đạo việc quảng bá sản phẩm, mạnh dạn tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, nhằm góp phần làm nên thành công của mỗi sản phẩm trong tỉnh ngày hôm nay.

Các sản phẩm nông sản như: Quýt Bắc Kạn, Miến dong, Hồng không hạt, gạo Bao Thai Chợ Đồn, gạo nếp thơm Khẩu nua lếch Ngân Sơn, tinh bột nghệ, curcumin nghệ, Bún khô, Khoai môn, Bí xanh thơm… đã được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp các hội chợ, triển lãm ở tỉnh bạn để giới thiệu sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu; từ đó, xây dựng thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, nâng cao năng suất, góp phần ổn định nền kinh tế địa phương.

Đến nay, một số sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn đã tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Riêng với Đề án OCOP của tỉnh, triển khai theo tinh thần Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 phê duyệt Đề án “ Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động trong khuôn khổ đề án một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Qua đó, đã có 76 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP-BK năm 2018.

Vậy là, nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương được chú trọng phát triển, xây dựng mẫu mã, bao bì đáp ứng quy định để lưu thông trên thị trường và có tiềm năng xuất khẩu. Mặt khác, một số sản phẩm chế biến từ nông sản đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm (tinh bột nghệ, curcumin nghệ…)

Phát triển thị trường nông sản Bắc Kạn trong tương lai

Tỉnh xác định, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 - 2020, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp thủy sản 4,5%/năm; Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng vùng. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú ý tới nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhóm giải pháp về kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…

Có thể thấy, với tiềm năng, thế mạnh của địa phương có nhiều thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, với nhiều hàng hoá mang tính đặc sản địa phương, Bắc Kạn luôn sẵn sàng và mong muốn được kết nối chặt chẽ hơn nữa với các tỉnh, thành phố phía Bắc và trong cả nước để sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao của Bắc Kạn đến được với người tiêu dùng cả nước và sản phẩm, hàng hóa chất lượng của các địa phương đến được với người tiêu dùng tỉnh Bắc Kạn./. 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực