EVN chính thức ra mắt Trung tâm dịch vụ sửa chữa điện

Thứ tư, 09/01/2019 08:34
(ĐCSVN) - EVNPSC là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc nhà nước, hoạt động theo phân cấp và ủy quyền của EVN. Ông Hoàng Trọng Nam – Giám đốc công ty Thủy điện Sơn La được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.

 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành (bên trái) trao Quyết định thành lập EVNPSC cho ông Hoàng Trọng Nam - Giám đốc EVNPSC (Ảnh: EVN)

Ngày 8/1/2019, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức trao quyết định thành lập và bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt cho Trung tâm dịch vụ sửa chữa điện trực thuộc công ty mẹ (EVNPSC). 

Theo đó, EVNPSC có ngành, nghề kinh doanh chính là dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, tuabin khí và kiến trúc của nhà máy điện; thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị điện, công trình đường dây và TBA; kiểm tra định kỳ kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện; tư vấn: quản lý dự án, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, đầu thầu, lập dự toán, thẩm tra và giám sát thi công lắp đặt thiết bị của các công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp.

EVNPSC là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc nhà nước, hoạt động theo phân cấp và ủy quyền của EVN. Ông Hoàng Trọng Nam – Giám đốc công ty Thủy điện Sơn La được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.

Phát biểu tại lễ trao quyết định, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, Trung tâm EVNPSC được thành lập theo Đề án tách bạch về tổ chức của bộ phận dịch vụ sửa chữa và vận hành các nhà máy thủy điện đa mục tiêu trực thuộc EVN và thành lập công ty dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện trực thuộc Công ty mẹ - EVN. Đây cũng là bước trong việc thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (Quyết định 852).

EVN định hướng PSC trong thời gian tới sẽ thực hiện được các mục tiêu đề ra là đáp ứng nhu cầu sửa chữa chuyên nghiệp cho các nhà máy trong và ngoài EVN; trở thành một thương hiệu có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong và ngoài EVN trên cơ sở tối ưu hóa chi phí sửa chữa, quản lý và sử dụng vốn, tài sản hiệu quả, đúng quy định.

Cũng theo ông Thành, để giải quyết khó khăn và tạo sự ổn định ban đầu, EVN đề nghị PSC và các công ty Thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN cần sớm hoàn thành việc bàn giao nhân sự, vật tư thiết bị, chức năng nhiệm vụ về sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên để không làm chậm tiến độ công việc. Đối với công tác sửa chữa lớn hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng trong Quý I/2019, các công ty thủy điện bàn giao ngay cho PSC thực hiện.

Trong bối cảnh thủy điện dần chiếm tỷ trọng nhỏ trong hệ thống, nhiệt điện và năng lượng tái tạo sẽ tăng nên trong tương lai, EVN sẽ nghiên cứu bổ sung thêm nhiệm vụ sửa chữa các nhà máy nhiệt điện, nguồn điện năng lượng tái tạo cho PSC. Để làm tốt công tác này PSC cần nâng cao năng lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công nhân viên, thậm chí tăng cường hợp tác để học hỏi thêm kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Được biết, ngày 22/11/2018, Tập đoàn EVN đã ban hành các Quyết định thành lập 5 đơn vị trực thuộc gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN và các ban Quản lý dự án điện 1, 2, 3.

 

Uông Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực