Ghi nhận giao dịch bất động sản quý II/2017 tăng 13,7 % so với quý I

Thứ ba, 25/07/2017 20:07
(ĐCSVN) – Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản (BĐS) quý II đã có lượng giao dịch tăng nhẹ so với quý I. Đáng chú ý, thị trường tiếp tục sôi đông từ tháng 3, lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm đã tăng trở lại.

Những dự án tốt do các chủ đầu tư có uy tín triển khai vẫn bán khá tốt trên thị trường. Ngoài ra, những dự án nhiều tiện ích, hạ tầng đầy đủ, hoặc có khả năng tận dụng được cơ hội từ các tuyến buýt nhanh (BRT), hay đường sắt trên cao (MRT) cũng đạt mức thanh khoản khá cao.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của các sàn giao dịch thành viên thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam tại: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, trong quý II năm 2017 ghi nhận giao dịch tăng 13,7 % so với quý I. Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội căn hộ trung cấp vẫn chiếm lượng giao dịch lớn nhất. Đối với TP Đà Nẵng đất nền giao dịch sôi động nhất.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có lượng giao dịch lớn (Ảnh: HNV)

Đặc biệt, tồn kho BĐS có dấu hiệu chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung  tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Tính đến 20/6/2017, tổng giá trị tồn kho BĐS của cả nước còn khoảng 27.341 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 101.207 tỷ đồng (tương đương giảm 78,73%); so với tháng 12/2015 giảm 23.548 tỷ đồng (giảm 46,27%). Từ tháng 12/2016 đến nay, tồn kho BĐS đã giảm 3.682 tỷ đồng (giảm 11,87%), nếu so sánh với một tháng trước, con số này giảm 553 tỷ đồng.

Về việc này, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, tốc độ giảm tồn kho BĐS đã chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm, chưa có hạ tầng đầy đủ. Trong đó, tồn kho nhiều nhất là đất nền nhà ở với hơn 3,3 triệu mét vuông (tương đương 13.014 tỷ đồng), tiếp theo là nhà thấp tầng với 3.447 căn (tương đương 7.268 tỷ đồng). Căn hộ chung cư còn tồn 3.200 căn (tương đương 4.579 tỷ đồng), đất nền thương mại tồn kho 648.139m2 (tương đương 2.480 tỷ đồng). Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương có giá trị tồn kho BĐS lớn nhất cả nước, chiếm gần 40%.

Cũng theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, trên cơ sở tham khảo Báo cáo khảo sát của SocialBeat, hệ thống lắng nghe, phân tích và hỗ trợ xử lý thông tin mạng xã hội, từ ngày 01/01-18/07/2017, hệ thống SocialBeat ghi nhận 8.203.631 lượt tương tác trong đó có 401.785 bài đăng và 872.626 bình luận đề cập đến ngành BĐS. BĐS nghỉ dưỡng và căn hộ chung cư là hai phân khúc thị trường được thảo luận nhiều nhất về ngành trên mạng xã hội, lần lượt chiếm (35% và 22% tổng thảo luận). Dự án chung cư phân khúc bình dân thu hút được nhiều sự quan tâm. Trong đó quan tâm nhiều nhất là vị trí căn hộ, hệ thống tiện ích, thời gian bàn giao, chính sách mua…

Cụ thể, BĐS nghỉ dưỡng bao gồm các khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, Condotel…được chia sẻ nhiều về trải nghiệm dịch vụ cũng như các chương trình khuyến mãi… do 6 tháng đầu năm có nhiều kỳ nghỉ cũng như bắt đầu vào kỳ nghỉ hè. Trong thị trường căn hộ chung cư, dự án chung cư phân khúc bình dân thu hút được nhiều sự quan tâm khi chiếm tới 47,4% tổng lượt tìm kiếm trao đổi. Trong đó quan tâm nhiều nhất là vị trí căn hộ, hệ thống tiện ích, thời gian bàn giao, chính sách mua… Đáng chú ý, trong khi thị trường có chiều hướng ổn định thì vấn đề tranh chấp tại các chung cư vẫn được thảo luận rất nhiều trên mạng như lệ phí của các dịch vụ, vấn đề PCCC, các sai phạm của chủ đầu tư,… hoặc các vấn đề liên quan đến đời sống của cư dân: cắt điện nước, không có nước sạch, phân biệt lối ra vào giữa các khu chung cư…gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ phân khúc căn hộ.

Về tìm kiếm BĐS nghỉ dưỡng, lượt tìm kiếm và thảo luận nhiều nhất tại Đà Nẵng và Nha Trang. Dự án được quan tâm là dự án du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng chiếm 55% thảo luận tiếp theo là Vinperl Bãi Dài ở Nha Trang. Bên cạnh đó, thị trường BĐS nghỉ dưỡng miền Bắc với sự xuất hiện của dự án Sapa Hade Jill (Lào Cai), Sun World Hạ Long cũng  nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực