Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Cao Bằng trong phát triển thời kỳ mới

Thứ tư, 25/09/2019 16:19
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh mới hiện nay, Cao Bằng đang có nhiều lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, do khó khăn về khách quan và cả chủ quan, tỉnh đang phải đối mặt với không ít thách thức. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác để phát triển được lãnh đạo Tỉnh ủy, HDND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm.
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ KH&ĐT với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng tại trụ sở Bộ (Ảnh: Đ.T)

Chiều 23/9, tỉnh Cao Bằng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Cụ thể, tập thể Ban Thường vụ tỉnh Cao Bằng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ KH&ĐT với lãnh đạo chủ chốt tỉnh này tại trụ sở Bộ.

Dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng đến làm việc với Bộ KH&ĐT, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn mang theo quyết tâm đề xuất với lãnh đạo Bộ KH&ĐT về việc cần thiết phải xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để giải phóng điểm nghẽn phát triển cho tỉnh Cao Bằng – quê hương thứ hai của Bác Hồ, chiếc nôi của cội nguồn cách mạng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch dịch vụ. Cao Bằng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước, có khu rừng Trần Hưng Đạo nơi chứng kiến sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những địa danh lịch sử đó không chỉ của riêng Cao Bằng mà là niềm tự hào chung của cả nước. Ngoài ra, Cao Bằng còn có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh. Trong đó, Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu.

Lợi thế phát triển kinh tế lớn như vậy nhưng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở khiến kinh tế gặp nhiều khó khăn, đến nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện nay, Cao Bằng là điểm trũng của cả nước về giao thông. Việc hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tiêu thụ nông sản qua địa bàn, nếu giải quyết được điểm nghẽn giao thông sẽ giúp tỉnh tạo được đột phá trong phát triển du lịch - dịch vụ, nông nghiệp và kinh tế biên mậu.

Bộ trưởng khẳng định, một trong những nguyên nhân chính khiến phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng còn chậm là cơ sở hạ tầng khó khăn, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Cao Bằng không có hệ thống giao thông đường sắt và đường hàng không, vận tải đường thủy hạn chế, hệ thống đường bộ chỉ có 2 tuyến kết nối với các địa phương khác với quy mô nhỏ, chất lượng kém. Đó là nút thắt cản trở giao thương, mặc dù Cao Bằng có đường biên giới kéo dài (333km).

Vì lý do đó, nếu tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) được xây dựng với đầy đủ các yếu tố kỹ thuật sẽ tạo cú huých lớn, giúp kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, hội nhập, đồng thời tạo thế và lực giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Đại diện lãnh đạo hai bên tại buổi làm việc (Ảnh: Đ.T)

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn khẳng định: Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng bao đời nay của nhân dân tỉnh Cao Bằng, để hiện thực hóa dự án này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt để dự án được triển khai sớm nhất. Dự án hoàn thành sẽ giải quyết các vấn đề trọng tâm, lớn cho tỉnh, nhất là vấn đề chính trị, bởi Cao Bằng có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 70%. Khi có đường cao tốc sẽ giúp giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng...

Vì vậy, tỉnh mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm để Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) được xác định không chỉ là động lực giúp Cao Bằng đột phá phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo mục tiêu an ninh, quốc phòng, tạo điểm tựa, bệ đỡ cho các tỉnh vùng đồng bằng giao thương, vận chuyển hàng hóa sang các tỉnh biên giới nước bạn Trung Quốc. Do đó, Cao Bằng cần phải có quyết tâm cao nhất trong việc thúc đẩy triển khai hiệu quả dự án này.

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực