Kinh tế Việt Nam quý 2/2018 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng

Thứ năm, 19/07/2018 11:05
(ĐCSVN) - Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê (TCTK), tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 2/2018 đạt mức 6,79%. Tuy tốc độ tăng trưởng không còn cao như quý 1 nhưng đây là mức tăng trưởng quý 2 cao nhất trong 10 năm qua.
Dịch vụ tiêu dùng sôi động. (Ảnh: HNV)

Đánh giá về điều này, Báo cáo kinh tế quý 2/2018 của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam (VEPR) cũng phân tích về các diễn biến kinh tế, chỉ ra, nông nghiệp có những tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, những thuận lợi về thời tiết và giá cả thị trường tiếp tục mang lại mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua cho ngành thuỷ sản (tăng 6,41%). Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng nửa đầu năm 2018 có mức tăng trưởng tích cực 9,07%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2016: 7,12%; 2017: 5,81%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng 13,02%, cao nhất từ năm 2012. Tuy nhiên, ngành khai khoáng đã tăng trưởng âm trở lại trong Quý 2, dẫn tới suy giảm 1,3% trong 6 tháng đầu năm 2018, phản ánh mức tăng trưởng dương trong Quý 1 chỉ mang tính thời vụ.

Cũng theo Báo cáo này, chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index), do VEPR xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng và chỉ số sản xuất công nghiệp IPI, đạt mức 6,15% trong quý 2/2018, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (6%) nhưng thấp hơn con số tăng trưởng 6,79% do TCTK công bố. Nhìn vào các thành phần cấu thành, có thể thấy mức tăng trưởng có phần suy giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp IPI trong quý 2 đóng vai trò quan trọng giải thích sự sụt giảm của chỉ số VEPI. Ngoài ra, chỉ số quý 2 thấp hơn so quý trước cũng có thể phản ánh chu kỳ kinh tế đang đi xuống. Điều này một lần nữa cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế quá vào khu vực chế biến chế tạo, gây ra thách thức cho phát triển kinh tế trong dài hạn.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng bất thường, số việc làm tạo mới giảm chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tiếp tục gia tăng trong quý 2 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định. PMI tăng từ 51,6 điểm trong tháng 3 lên mức 55,7 vào tháng 6. Đây là điểm PMI cao nhất nhiều năm trở lại đây, đánh dấu chuỗi 31 tháng mở rộng liên tiếp (hơn 50 điểm), tiếp tục cho thấy tín hiệu tích cực của triển vọng kinh doanh trong khu vực sản xuất.

Về tình hình hoạt động, tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm 2018 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (64.531 so với 61.276 doanh nghiệp, tăng 5,3%). Tổng số vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, quý 2/2018 chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017, tăng tới 75,7% (31.668 so với 18.039 doanh nghiệp). Tính chung nửa năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 34,7%. Giống với quý 1, quy mô việc làm tạo mới trong quý 2 tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 283,1 nghìn việc làm mới được tạo thêm trong quý 2/2018, thấp hơn tới 15,7% so với  quý II/2017. Số việc làm tạo mới giảm đi trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng tích cực tiếp tục đặt dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm 2018 ước đạt 2.120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, tiêu dùng đạt mức tăng 8,3%, thấp hơn mức tăng 8,4% của năm ngoái. Điều này dường như phản ánh mặt bằng giá cả đã phục hồi tương đối mạnh trong năm nay. Trong các mặt hàng bán lẻ, các loại hàng hoá thiết yếu đạt mức tăng trưởng tốt như: lương thực, thực phẩm (tăng 12,4%); may mặc (tăng 12,3%); đồ dùng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình (tăng 12%). Về tổng vốn đầu tư toàn xã hội, quý 2 tiếp tục chứng kiến sự suy giảm nhẹ về tăng trưởng so với quý trước, nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện của nền kinh tế quý 2 ước đạt 416,4 nghìn tỷ đồng, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm trước. So với quý 2/2017, tăng trưởng vốn đầu tư tại tất cả khu vực thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn.

Trong đó, khu vực tư nhân có mức tăng trưởng vốn đầu tư cao nhất với 18,2%. Khu vực Nhà nước chỉ tăng 1,9%, tiếp tục phản ánh giải ngân đầu tư công chậm chạp.  Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn đăng ký mới quý 2/2018 đạt kỷ lục ở mức 9,68 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng vốn đăng ký bổ sung cũng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái (2,64 so với 1,20 tỷ USD). Trong khi đó, lượng vốn giải ngân vẫn duy trì được mức khả quan 4,49 tỷ USD, tăng lần lượt 9,5% và 15,7% so với quý 2/2017 và quý 1/2018. Trong tổng số 748 dự án cấp mới của quý 2, có 252 dự án nằm ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đăng ký 4,47 tỷ USD. Số dự án này gấp rưỡi ngành đứng thứ hai (252 so với 170) về thu hút đầu tư FDI. Một số dự án FDI lớn trong quý 2 bao gồm: dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và khí hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Xét theo đối tác trong nửa đầu năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư số một tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 6,466 tỷ USD và 201 dự án cấp mới, đặc biệt là dự án Thành phố thông minh đề cập ở trên. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc (5,509 tỷ USD), Singapore (2,390 tỷ USD) và British Virgin Islands (1,185 tỷ USD).

BĐS là thị trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ hai trong 6 tháng đầu 2018 (Ảnh: HNV)

Tỷ giá hối đoái tăng do ảnh hưởng từ thế giới Việc Fed tăng lãi suất lần thứ hai trong quý  2 là một trong những nhân tố quan trọng nhất đẩy đồng USD tăng giá và khiến nhiều đồng nội tệ mất giá. Điều này tác động đáng kể tới tỷ giá hối đoái VND/USD trong quý 2. Theo đó, cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các NHTM đều tăng nhẹ. Tuy nhiên, lượng ngoại hối này cũng chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu,  bằng với mức khuyến nghị của IMF về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu một quốc gia cần nắm giữ. Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập.

Thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào, lãi suất VND giảm nhẹ. Theo số liệu công bố của TCTK, tính tới thời điểm 20/06/2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 6,35% so với tháng 12/2017, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các NHTM còn phải nỗ lực nhiều trong nửa sau của năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% do NHNN đề ra. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của các NHTM lại cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (7,78% so với 5,89% của năm 2017). Cán cân trên thị trường vốn nghiêng về phía cung giúp thanh khoản tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Điều này được thể hiện rõ trong mặt bằng lãi suất. Cụ thể, một số NHTM đã chủ động giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt.

Vàng trong nước vẫn giữ được sự ổn định trong khi vàng thế giới có xu hướng liên tục giảm mạnh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tạm lắng cùng với sự tăng giá của đồng USD. Giá vàng nội địa ổn định quanh mốc 36,6 triệu VND/lượng trong suốt quý 2. Trong khi đó, giá thế giới từ mức 36,4 triệu VND/ lượng (quy đổi) vào cuối tháng 3 đã giảm xuống chỉ còn 34,6 triệu VND/lượng vào ngày giao dịch cuối tháng 6, giảm tới gần 5% sau ba tháng. Như vậy, biên độ chênh lệch giá đã gia tăng 10 lần từ 0,2 triệu VND/lượng lên 2 triệu VND/lượng. Điều này phản ánh sự thiếu liên thông giữa thị trường vàng nội địa và thế giới.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực BĐS đã vươn lên đứng thứ hai sau nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo về thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đạt 5,54 tỷ USD. Trong thời gian tới khi tồn tại khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá, thị trường bất động sản nhiều khả năng đối diện với nguy cơ suy giảm. Đây là rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý vì nó sẽ làm thay đổi toàn bộ trạng thái thị trường hiện nay.

Nhìn một cách tổng thể, những tín hiệu tăng trưởng vẫn là dòng chủ đạo trong bức tranh kinh tế cả nước quý 2/2018. Hy vọng rằng với những diễn tiến tốt này, mục tiêu kinh tế 2018 có thể khả thi./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực