Làm gì để giám sát, quản lý đất đai nông, lâm trường quốc doanh?

Thứ ba, 16/10/2018 17:09
(ĐCSVN) - Các đại biểu đã có dịp chia sẻ kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 112/2015/QH13 về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại các tỉnh trong năm 2018 và tham vấn ý kiến các bên liên quan về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết.

Đồng thời cũng như nhằm giải quyết dứt điểm những hạn chế, thách thức trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Được biết, thực hiện chương trình giám sát năm 2018, Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã thành lập các đoàn giám sát và đã tiến hành giám sát ở 9 tỉnh trong cả nước. Qua đó, tiến hành giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”. Liên Minh Đất rừng (FORLAND) gồm một số tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam được tham gia vào một số đợt giám sát do Hội đồng dân tộc Quốc hội tổ chức trong năm 2018.

Hội thảo “Chia sẻ kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 112/2015/QH13 về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh” diễn ra ngày 16/10 tại Hà Nội lần này là một hoạt động để chia sẻ kết quả đánh giá, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 112 của Quốc hội tại các tỉnh trong năm 2018, cũng như tham vấn ý kiến các bên liên quan về các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 112 của Quốc hội trong thời gian tới.

Hội thảo diễn ra sáng 16/10 tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Hội thảo do TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV và TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam chủ trì.

Theo TS. Nguyễn Lâm Thành, kỳ họp thứ 6 Quốc hội tới đây sẽ bàn nhiều nội dung trọng yếu trong đó có những vấn đề liên quan tới quản lý đất đai, cơ quan quản lý có thêm thông tin đề xuất trong quản lý thời kỳ mới, Quốc hội có cơ hội để đánh giá lại quá trình giám sát, tận dụng tốt nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội. Bởi thế, Hội thảo hôm nay là một dịp tốt để các đại biểu cùng nhau chia sẻ, trao đổi, nêu lên những kết quả đạt được và tồn tại qua giám sát, từ đó đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện chính sách hiệu quả hơn.

Tại Hội thảo, ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội chia sẻ kết quả giám sát, trong đó nhấn mạnh: Một số địa phương, doanh nghiệp chưa nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của Nghị quyết số 112 cũng như Chỉ thị 11/CT-TTg nên chưa ban hành văn bản quán triệt, tổ chức chỉ đạo thực hiện, chưa xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện theo yêu cầu, nhiệm vụ. Hơn nữa, nhiều công ty thua lỗ, hiệu quả sử dụng đất không cao; đất đai chủ yếu là khoán trắng, phát canh thu tô, không quản lý được sản phẩm giao khoán; thu nhập chủ yếu của công ty dựa vào hoạt động dịch vụ nhưng một số địa phương, công ty chưa đề xuất phương án giải thể, ... Hay công ty nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp, đổi mới trước đây từ nông, lâm trường quốc doanh nhưng phần lớn chậm đổi mới cơ chế quản lý, chưa hạch toán sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, việc thực hiện khoán chủ yếu là giao khoán thuần tuý, chưa kết hợp được giao khoán đất với giao theo phương án sản xuất, kinh doanh của công ty nên thực chất hoạt động này là phát canh thu tô...

Đề cập tới việc phải nhanh chóng khắc phục tồn tại hạn chế trong quản lý đất đai nông lâm trường hiện nay, ông Phạm Văn Hạnh, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp sẽ còn phải tiếp tục kéo dài thêm một số năm nữa, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tế để chủ động, kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ này.

Hình ảnh hoạt động của đoàn giám sát tại Quảng Ninh (Ảnh tư liệu. Nguồn: FORLAND)

Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Bình, Liên minh đất rừng (FORLAND), kết quả giám sát mới nhất tại 4 tỉnh là Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang và Gia Lai cho thấy, phần lớn các vụ việc lấn chiếm, xâm canh, tranh chấp đã được xử lý; ngân sách cho rà soát, phân giới cắm mốc đã được cấp và giải ngân; công tác thanh tra, kiểm tra đã được các tỉnh tiến hành, qua đó phát hiện những vướng mắc, mâu thuẫn, tồn tại để xử lý. Đồng thời, đa số các công ty được rà soát sắp xếp đã lập phương án sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện phương án. Đất đai và tài sản trên đất được quản lý chặt chẽ hơn, công tác giao khoán và liên kết với hộ gia đình tại chỗ được thực hiện.

Hơn thế nữa, cần phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác giám sát của người dân và cộng đồng đối với việc quản lý sử dụng đất của các công ty, các địa phương, việc giao lại đất đai thu hồi đúng đối tượng, đúng chính sách; xử lý dứt điểm diện tích đất giao trùng, tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh; Bố trí đủ ngân sách để hoàn thành việc rà soát, phân giới, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với các hộ gia đình được giao; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó chú trọng đối với hoạt động quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty và ban quản lý rừng và thực hiên nghiêm chế độ báo cáo theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Và vào ngày 17/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp. Các văn bản pháp lý này đã khẳng định các quan điểm rõ ràng của Đảng, Chính phủ về tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh. Bản thân các bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan QLNN các cấp ở địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản, tập trung nhiều nguồn lực để giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan đến sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp, và thúc đẩy hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực