Phát triển kinh tế tư nhân: Thực trạng và giải pháp

Thứ năm, 18/01/2018 15:36
(ĐCSVN) - Sau gần 30 năm Đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm phát triển và coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Kể từ Đại hội VI của Đảng, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã ngày càng được coi trọng và khuyến khích phát triển.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: nhadautu.vn)

1. Vài nét về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân ngày càng sáng tỏ, cùng các chính sách chung và các chính sách đặc thù được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong giai đoạn 2001 - 2016, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp tư nhân phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh, từ 55.236 doanh nghiệp năm 2002 thì đến năm 2016 đã có khoảng 500.000 doanh nghiệp với nhiều loại hình đa dạng.

Hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân dần được nâng lên, có tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 39 - 40%. Khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế; thu hút khối lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh (năm 2002, tổng nguồn vốn đăng ký hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân khoảng 3,842 triệu tỷ đồng, năm 2015 là 11,469 triệu tỷ đồng, tỷ trọng trong vốn đầu tư toàn xã hội tăng lên lần lượt là 25,3% và 38,7%). Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.

Tuy đạt nhiều thành tựu, song, nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân còn tồn tại, hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ. Trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác...

2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân của một số nước

Với vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế tư nhân, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém của kinh tế tư nhân ở Việt Nam, thì việc tham khảo kinh nghiệm về phát triển kinh tế tư nhân của một số quốc gia là việc làm cần thiết.

Có thể nói ở hầu hết các nước phát triển, nhất là những nước theo mô hình phát triển kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ, hay cả những nước theo đuổi mô hình nền kinh tế phúc lợi như những nước phương Tây, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế ở những nước này.

Sự tồn tại và phát triển của khu vực tư nhân là tất yếu, góp phần quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế trong nước và vươn ra nước ngoài. Kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng cấu thành toàn bộ nền kinh tế. Nhiều quốc gia phát triển mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của hình thức kinh tế này và tích cực phát triển nó như một công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế.

Có ý kiến cho rằng các nước phát triển là nơi khu vực kinh tế tư nhân có sức mạnh khổng lồ và ưu thế tuyệt đối. Trong số các nước này, một trường hợp rất đáng để tham khảo đó là phát triển kinh tế tư nhân tại Hàn Quốc. Đây là một quốc gia Đông Bắc Á đã tạo nên sự thần kỳ ở châu Á, từ một nước bị tàn phá và chia cắt sau chiến tranh đã vươn lên ngang hàng với các nước phát triển trên thế giới nhờ biết nắm bắt mọi thời cơ và vận dụng chính sách linh hoạt để huy động tiềm lực trong nước. Các công ty tư nhân đã được tạo điều kiện hình thành và phát triển thành những tập đoàn xuyên quốc gia chính là động lực cho sự phục hồi này. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân là một lực lượng thiết yếu và tạo động lực cơ bản trong nền kinh tế Hàn Quốc.

Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, doanh nghiệp nhà nước sẽ không tham gia toàn bộ chuỗi giá trị mà vẫn tạo ra một dư chấn để cho doanh nghiệp tư nhân tham gia. Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể lớn mạnh, thậm chí lấn át khu vực kinh tế nhà nước là chuyện rất bình thường bởi mục tiêu không phải là vai trò của nhà nước luôn luôn sở hữu và đứng đầu ngành. Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân Hàn Quốc đã phát triển thành các tập đoàn xuyên quốc gia, có vai trò ảnh hưởng dẫn đầu thị trường thế giới trong lĩnh vực của họ xét về chất lượng và số lượng tăng trưởng trong những năm gần đây. Hiện nay, khu vực tư nhân giữ vai trò nòng cốt trong phát triển công nghệ và đóng góp vào doanh thu xuất khẩu của cả nước.

3. Một vài ý kiến và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới

Để cụ thể hoá và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017, chúng tôi xin có một số ý kiến sau:

3.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tôi đã từng đọc qua một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Trong mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế tư nhân, công tác tuyên truyền vận động giữ vai trò hết sức quan trọng trong trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng rõ hơn. Mục đích là nhằm truyền bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến những kiến thức, giá trị tinh thần đó thành nhận thức, niềm tin, tình cảm của đối tượng, thôi thúc đối tượng hành động theo những định hướng, những mục tiêu do chủ thể tuyên truyền đặt ra.

Tuy nhiên cũng cần đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động đối với doanh nghiệp và phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Chú trọng những hình thức tuyên truyền vận động phù hợp, có ảnh hưởng sâu sắc. Có thể thấy rằng nhờ vào việc tuyên truyền, kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhìn chung hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình từng bước đi vào nề nếp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phản ánh kịp thời các sự kiện quan trọng diễn tại doanh nghiệp Hiện nay theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – Bộ Công thương, tỷ lệ dân số Việt Nam truy cập Internet lên đến 34 triệu người (trong trên 90 triệu người) chiếm 36% (2013). Trong số đó, có khoảng hơn 90% dùng Internet để đọc tin tức trên các báo, tạp chí online. Vì thế, quảng cáo báo mạng điện tử ngày càng phát triển, các doanh nghiệp, công ty tìm đến dịch vụ quảng cáo này ngày càng đông. Quảng cáo trên báo mạng điện tử là hình thức quảng cáo hiệu quả, độ phủ thương hiệu tốt vì các trang báo mạng, tạp chí mạng hiện nay có lượng người đọc rất đông, chiếm thị phần tuyệt đối và áp đảo so với các loại hình báo chí và quảng cáo truyền thống khác. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng không nên quá phụ thuộc vào báo chí để đánh bóng tên tuổi của mình hay doanh nghiệp. Mà, cần đem thương hiệu, uy tín, chất lượng thật sự để đi vào lòng người.

3.2. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, để kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng” góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhà nước với các nguồn lực, công cụ, chính sách sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng và điều tiết nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ công có vốn đầu tư lớn, luân chuyển chậm, lợi nhuận không cao, rất cần thiết cho nền kinh tế - xã hội mà khu vực tư nhân không sẵn sàng đảm nhận; các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, một số hoạt động đầu tư mạo hiểm... Mở rộng thị trường kinh doanh ra quốc tế. Các doanh nghiệp tư nhân phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường trong nước, chỉ rất ít doanh nghiệp lớn vươn được ra thị trường nước ngoài ở một mức độ khiêm tốn.

Ngay cả ở thị trường trong nước, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt các doanh nghiệp tư nhân lớn cũng bắt đầu có xu hướng rút khỏi các ngành sản xuất công nghiệp, nhường lại sân chơi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích và giúp đỡ cho các doanh nghiệp có thể vươn xa hơn. Phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp và ở nông thôn. DNTN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít. Trong khi đó, nhiều chính sách “cởi trói” giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển trong thời kỳ sau đổi mới đã tới giới hạn. Mô hình kinh tế hộ truyền thống tồn tại lâu nay ở nông thôn không còn phù hợp với điều kiện mới; yêu cầu tích tụ, tập trung ruộng đất đang được đặt ra cho việc triển khai những mô hình hiện đại như kinh tế trang trại quy mô lớn.

Đặc biệt, cần chú trọng vai trò của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ xanh và công nghệ sạch trong việc nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cần đổi mới căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo, trong đó gắn giáo dục - đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp. Cần tạo dựng văn hóa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình thành ý chí tự thân lập nghiệp để sẵn sàng cho tương lai.

Cần giảm thiểu sự "lấn sân" của các doanh nghiệp nhà nước đối với khu vực tư nhân đồng thời có chính sách tăng cường phát triển khối doanh nghiệp tư nhân theo cả chiều dọc và chiều ngang để vừa giải quyết những cản trở chung đối với nền kinh tế vừa tạo nên những đột phát trong phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

3.3. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Cần tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Theo đó, thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.

Tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; thúc đẩy hình thành và phát triển các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ cao và các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển...

3.4. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố quan trọng đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Theo tôi để tăng cường kiên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam phải biết nắm bắt thời cơ, xây dựng chí hướng lớn với tinh thần dám nghĩ, dám làm và khát vọng bay cao, bay xa thì mới có thể lớn mạnh, tham gia vào sân chơi chung với các tập đoàn trong khu vực và trên thế giới.

Trước mắt Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ tầm trung phù hợp với trình độ phát triển hiện tại, như thiết lập các cụm liên kết ngành sản xuất linh kiện đòi hỏi quy mô đầu tư vốn vừa phải và độ tinh vi công nghệ ở mức trung bình Việt Nam cũng cần nắm bắt được làn sóng khởi nghiệp của các doanh nghiệp công nghệ và thúc đẩy các hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm giúp các doanh nhân vượt qua rào cản về vốn, rủi ro, nguồn nhân lực... để hiện thực hóa các ý tưởng của mình liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thay vì tạo ra những gói hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp, Chính phủ cần tập trung vào việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh kết nối một cách công bằng để các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng. Hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các doanh nghiệp FDI có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu.

Tập trung vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân một cách thực chất thông qua các chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi về thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và các giải pháp tài chính, tín dụng; thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế, các chủ thể kinh tế và các không gian kinh tế.

Khắc phục triệt để tình trạng các doanh nghiệp lớn chi phối, lấn át các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh tế. Hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu, kể cả đối với bất động sản, ruộng đất... để góp phần ngăn ngừa xung đột trong xã hội, góp phần phân bổ nguồn lực hiệu quả, khi pháp luật về sở hữu rõ ràng thì tự nó sẽ đặt ra một trật tự có giới hạn cho các quyền của các chủ thể trong xã hội được đảm bảo. Theo đó các doanh nghiệp sẽ biết trân trọng sự hợp tác và gắn kết nhiều hơn. Thực hiện triệt để cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

3.5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.

Đẩy mạnh xây dựng nâng cao văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân. Hiện nay, thực trạng văn hóa Việt Nam, bên cạnh những cái tích cực thì còn nhiều yếu tố tiêu cực. Cần phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và các chuẩn mực hành vi, ứng xử trong các doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hạn chế rủi ro cho đạo đức nghề nghiệp có thể phát sinh; cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gian lận (nếu có) để răn đe, phòng ngừa chung.

Yếu tố con người là rất quan trọng, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tuân thủ đối với đội ngũ nhân sự. Quan trọng là cần phải phát hiện kịp thời nhằm giảm thiểu tổn thất, thắt chặt việc quản lý nhân sự, tăng cường giám sát việc tuân thủ và ứng xử phù hợp, trong đó luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu.

Hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp. Rà soát việc tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý, đồng thời không gây khó khăn, phiên hà cho người dân, doanh nghiệp.

Người ta nói là văn hóa là cái còn lại trong chúng ta sau khi ta quên đi tất cả. Như vậy, văn hóa là thứ sẽ ngấm vào từng ngày, nhưng cũng có khi chúng ta phải mất cả thế hệ để xây dựng văn hóa. Nhưng riêng về văn hóa doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có được sự vào cuộc kiên quyết của Chính phủ và sự hợp tác của các cơ quan ban ngành, thì tôi nghĩ là không mất nhiều thời gian.

3.6. Xóa sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân với loại hình doanh nghiệp khác.

Đề cập đến Nghị quyết 35 của Chính phủ, chúng ta có thể thấy rõ, Nghị quyết nêu rõ doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành mà pháp luật không cấm và được bảo đảm bình đẳng trong đầu tư, tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai. Chính phủ Việt Nam khẳng định không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Vì vậy theo tôi, để bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định về cấp phép kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường. Quản lý thực hiện kế hoạch phát triển. Trong đó, nhấn mạnh vào những giải pháp về thành lập Quỹ hỗ trợ, tổ chức thực hiện các Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Tạo mọi khả năng để các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực phát triển như: Tài chính, đất đai, công nghệ, nhân lực. Thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân. Giải pháp này nhằm tạo ra nhận thức thống nhất trong hệ thống chính trị - xã hội về vai trò động lực của kinh tế tư nhân, từ đó tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phát huy thế mạnh và tiềm năng của kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện giải pháp này chính là phải khuyến khích, tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Sự nghiệp kinh tế là của toàn dân thì kinh tế tư nhân phải là động lực chủ yếu, đảm bảo phát triển bền vững, tự chủ của Việt Nam. Còn vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi, luật chơi, làm trọng tài. Vì vậy, cần phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

3.7. Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo phân loại trình độ công nghệ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc nhóm công nghệ thấp. Trong tổng số doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị trong năm 2013, 2/3 số doanh nghiệp đã gặp phải các trở ngại. Cũng giống như việc đổi mới công nghệ, trở ngại lớn nhất cho việc cải tiến công nghệ của doanh nghiệp là hạn chế về tài chính (7,33/10 điểm).

Rõ ràng, vấn đề tài chính là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp không chỉ trong các hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ mà cả các hoạt động kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rào cản thứ hai đối với các doanh nghiệp khi thực hiện cải tiến công nghệ là sự thiếu vắng lực lượng lao động có trình độ và tay nghề. Lao động ở Việt Nam tuy đông về số lượng, nhưng yếu về tay nghề, nhất là đối với các lao động kỹ thuật. Ngoài hai rào cản chính trên, còn phải kể đến sự yếu kém về cơ sở hạ tầng (điện, năng lượng, đất đai, giao thông..).

3.8. Đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân.

Chất lượng giáo dục luôn là vấn đề cốt lõi, là yếu tố sống còn của từng cơ sở giáo dục, cũng như cả hệ thống giáo dục đại học. Khung trình độ quốc gia Việt Nam có 8 bậc, bao gồm 5 bậc giáo dục nghề nghiệp và 3 bậc giáo dục đại học. Thực hiện khung trình độ quốc gia sẽ có tác động mạnh mẽ đến nhiều bên liên quan, từ các cơ quan quản lý, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, người học, hướng đến các chuẩn mực quốc tế, góp phần làm thay đổi cơ bản chất lượng của giáo dục đại học hiện nay.

Xây dựng tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực hành nghề chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật đạo đức làm việc, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới.

3.9. Nâng cao hiệu quả công tác Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân.

Muốn nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp tư nhân, trước hết phải nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động về vấn đề này. Cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân cho chủ doanh nghiệp và người lao động.

Cùng với việc quán triệt, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các địa phương đều xác định lấy hiệu quả hoạt động để vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp và người lao động tích cực tham gia vào tổ chức, thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.

Peter Hồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực