Phát triển kinh tế tư nhân: Thực trạng và giải pháp

Thứ bảy, 10/02/2018 19:29
(ĐCSVN) - Khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển với gần 620 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tỉ trọng trong GDP 40%, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm... Thời gian gần đây đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Nhận biết được tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có trên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%, ngay từ đầu nhiệm kỳ (ngày 29 tháng 4 năm 2016), Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Ngay sau buổi gặp mặt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, đưa ra những mục tiêu, nguyên tắc và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để trở thành động lực của nền kinh tế.

Nghị quyết 35/NQ-CP ra đời nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 của Chính phủ đã góp phần tháo gỡ khó khăn, giải phóng sức sản xuất, tạo không khí kinh doanh lập nghiệp sôi động với kỷ lục hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập năm 2016. Số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48%. Trong 5 tháng đầu năm 2017 có trên 50 nghìn doanh nghiệp được thành lập, với gần 1,2 triệu tỷ đồng bổ sung vào nền kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp theo đúng tinh thần 10 nguyên tắc đã nêu tại Nghị quyết số 35/NQ-CP. Định kỳ hàng quý, có báo cáo, đánh giá và đôn đốc triển khai. Sau hơn một năm thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao và ghi nhận Nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Bộ máy chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức.

Về cải cách thể chế, Chính phủ đã ban hành 50 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh; rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Về cải cách thủ tục hành chính, đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 19 đối với một số thủ tục; phát triển mô hình hành chính công của nhiều địa phương, giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các địa phương tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử. Chi phí tiếp cận các dịch vụ công, đăng ký kinh doanh, thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… đang có xu hướng giảm (năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%).

Về chi phí sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp để xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam điều tra, thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, phi chính thức đối với doanh nghiệp, so sánh với  khu vực, quốc tế và đề xuất giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Về thanh tra, kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý thực hiện nghiêm túc về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Về hình sự hóa quan hệ kinh tế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an và các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương. Với trên 4.500 thủ tục đã được sửa và bãi bỏ; trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (bằng 77,5%). 

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua góp vốn, mua cổ phần để hình thành các tổ chức sản xuất kinh doanh có năng lực tài chính, quy mô hoạt động lớn, công nghệ và quản trị hiện đại. Đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân có khả năng cạnh tranh, có thương hiệu mạnh ở thị trường trong nước và quốc tế.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp để lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và hiến kế, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26 để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, giao cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và xác định thời gian hoàn thành nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn sau một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Hội nghị trung ương 5 khóa XII của Đảng đã thông qua Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 10-NQ/TW khoá XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu tổng quát là “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 10-NQ/TW khoá XII, Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội khoá XIII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, ngày 3 tháng 10 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa XII. Theo đó việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết, đưa các chính sách và chủ trương được ban hành trong thời gian gần đây của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đồng bộ và hiệu quả, góp phần cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân, tập trung vào nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp:

- Ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Đến cuối năm 2017, Chính phủ sẽ nỗ lực để ban hành các văn bản hướng dẫn Luật trên.

- Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.

- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của kinh tế tư nhân và tạo sự đồng thuận về khuyến khích, tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn thái độ phân biệt, đối xử, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức.

- Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

- Xây dựng chương trình và lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo kênh vốn cho các hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy nhanh việc xây dựng Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khẩn trương chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chú trọng đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.

- Mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo quốc gia và nhanh chóng đưa ra giải pháp thí điểm hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm đổi mới sáng tạo. Thực hiện nghiêm việc mua sắm sản phẩm trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi quy định các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện. Nghiêm túc thực hiện thủ tục hành chính thuế theo nguyên tắc hướng dẫn bổ sung hồ sơ rõ ràng và không quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý cao hơn so với quy định.

- Tăng cường tiếp cận tín dụng: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ các mô hình hoạt động tài chính vi mô; hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng; hỗ trợ tăng cường năng lực quản trị, minh bạch tài chính để tiếp cận tốt hơn tín dụng.

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục về đất đai, xây dựng. Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân.

- Rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí về logistic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công…

- Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức đúng về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Nguyễn Trọng Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực