Sơ bộ Tổng điều tra Kinh tế năm 2017: Những con số ấn tượng

Thứ ba, 23/01/2018 16:34
(ĐCSVN) – Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy các số liệu cơ bản về số lượng, lao động và cơ cấu đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp.

Hiện, Tổng cục Thống kê đang đẩy nhanh tiến độ xử lý để công bố kết quả chính thức trong thời gian sớm nhất. Kết hợp với dữ liệu khai thác từ các nguồn quản lý hành chính của ngành Thuế, Kho bạc, Hải quan…

Có nhiều thay đổi tích cực của nền kinh tế 5 năm qua (Ảnh: HNV)

Báo cáo sơ bộ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có nhiều kết quả đáng khích lệ với những con số khá ấn tượng.

Về khối đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp

Báo cáo chỉ rõ, số lượng và lao động tiếp tục tăng qua 5 năm trong đó khối doanh nghiệp có mức tăng cao nhất. Cụ thể, tính đến thời điểm 01/07/2017 cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012 (706 nghìn đơn vị), mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức 5% của thời kỳ 2007- 2012. Số lượng lao động trong các đơn vị là 26,9 triệu người, tăng 18,5% tương đương 4,2 triệu người so với năm 2012, tốc độ tăng bình quân hàng năm 3,4%, thấp hơn mức 6,7% của giai đoạn 2007 - 2012.

Doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Tính đến 01/01/2017 cả nước có 518 nghìn doanh nghiệp thực tế đang tồn tại   , tăng 176 nghìn doanh nghiệp và gấp 1,5 lần so với năm 2012 trong đó có 505 nghìn doanh nghiệp thực tế hoạt động. Khối doanh nghiệp thu hút 14,1 triệu lao động, tăng 28,5% so với năm 2012 trong đó 14 triệu lao động thuộc các doanh nghiệp thực tế hoạt động. Thời kỳ 2012-2017, bình quân hàng năm số lượng doanh nghiệp tăng 8,7%, lao động tăng 5,1%

Cả nước có 13,56 nghìn hợp tác xã, thu hút 206,6 nghìn lao động, giảm nhẹ về số cơ sở và giảm tới 15% về lao động so với năm 2012. Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng chủ yếu với 51%, ngành công nghiệp và xây dựng giảm từ 24% năm 2012 xuống 19,5%, dịch vụ chiếm 29,5% tăng 5,4 điểm phần trăm so với năm 2012.

Số lượng cơ sở SXKD cá thể thời điểm 01/07/2017 là 5,1 triệu, tăng chậm hơn nhiều so với thời kỳ trước với 11,2%, thu hút 8,7 triệu lao động, tăng 9% so với 2012. Mức tăng bình quân hàng năm về số cơ sở và lao động là 2,2% và 1,7%, thấp hơn mức 4,3% và 3,8% của thời kỳ 2007 - 2012.

Các đơn vị hành chính, sự nghiệp có mức tăng số lượng đơn vị và lao động đều thấp hơn năm 2012 với 2,3% và 11,3% (năm 2012 tăng 5,7% và 20,5% so với năm 2007). Các đơn vị sự nghiệp tăng 2,4% về số lượng cơ sở và 14,6% về lao động (năm 2012 tăng tương ứng 14% và 27,5%).

Cả nước có 42,7 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với 140 nghìn chức sắc, lao động làm việc thường xuyên tại các cơ sở này. Số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tăng 19,5%, thấp hơn mức 27,4% của 2012 so với 2007.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ, quy mô lao động bình quân chung của một đơn vị kinh tế tăng không đáng kể so với 5 năm trước đây nhưng giảm ở khối doanh nghiệp. Nhìn chung, lao động bình quân trên một đơn vị kinh tế thay đổi không đáng kể so với năm 2012 và có sự khác biệt giữa các đơn vị kinh tế và khối hành chính, sự nghiệp. Lao động bình quân một doanh nghiệp giảm từ 32 người xuống 27 người trong đó doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/1 doanh nghiệp. Riêng các doanh nghiệp FDI tăng bình quân 15 người/1 doanh nghiệp so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ.

Lao động bình quân của các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp có sự biến động khác nhau: cơ quan hành chính thay đổi không đáng kể so với năm 2012, lao động bình quân của các tổ chức chính trị, đoàn thể hiệp hội giảm 2,4% (từ 7 người xuống 6,8 người/1 đơn vị) trong khi của một đơn vị sự nghiệp tăng 12% (từ 31 người lên 34,7 người/1 đơn vị). Các cơ sở y tế và đơn vị sự nghiệp hoạt động về kinh tế, môi trường, khoa học công nghệ và sự nghiệp khác có mức tăng cao hơn với 19,5% và 22,3%.

Xét về khu vực kinh tế, lao động bình quân trên một đơn vị thuộc khu vực công nghiệp xây dựng tăng mạnh với 17,9%, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm trong khi khu vực dịch vụ tăng không đáng kể

Báo cáo còn nhận định, khu vực dịch vụ phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị, lao động của các ngành kinh tế. Theo đó, số lượng đơn vị thuộc khu vực dịch vụ tăng 17,2% và tăng 18,8% về lao động, thấp hơn mức tăng 30,7% và 39,8% của thời kỳ 2007 – 2012 nhưng là khu vực có mức tăng mạnh nhất và cao hơn mức tăng chung. Số lượng đơn vị của khu vực này chiếm 81%, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với năm 2012. Lao động chiếm tỷ trọng tương đương năm 2012 với 56%. Bình quân hàng năm thời kỳ 2012-2017 số lượng đơn vị và  lao động khu vực dịch vụ tăng 3,2% và 3,5%, thấp hơn mức 5,4% và 6,9% của thời kỳ 2007-2012. 

Đáng chú ý, đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp tập trung nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng nhưng vùng Đông Nam bộ tiếp tục là vùng thu hút nhiều doanh nghiệp.  Trong 6 vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng có số lượng đơn vị lớn nhất chiếm 26% và thu hút 30% số lao động. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp và lao động trong khu vực doanh nghiệp tập trung lớn nhất tại Vùng Đông Nam bộ, chiếm 42% tổng số doanh nghiệp và 38% về lao động. Đồng bằng sông Hồng xếp thứ 2 với 31% về số doanh nghiệp và 32% lao động. Tây Nguyên vẫn là vùng có số lượng doanh nghiệp ít nhất. Xét theo tỉnh, thành phố, 05 địa phương có số lượng đơn vị lớn nhất lần lượt là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng Nai.

Về doanh nghiệp và hợp tác xã

Báo cáo chỉ ra, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI tăng, doanh nghiệp nhà nước giảm với tốc độ chậm. Tính đến 01/01/2017, trong tổng số 518 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại và thu thập được số liệu qua Tổng điều tra, có 12,8 nghìn doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, 505 nghìn doanh nghiệp thực tế đang hoạt động tăng 55,6% so với Tổng điều tra năm 2012. Bình quân hàng năm thời kỳ 2012-2017 tăng 9,2%.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có số lượng doanh nghiệp lớn nhất với 500 nghìn, tăng 52,2% so với năm 2012 và mỗi năm tăng bình quân 8,7%. Số lượng doanh nghiệp FDI là 14,6 nghìn, tăng mạnh nhất với 54,2% so với thời điểm 01/01/2012, bình quân hàng năm tăng 9,2%. Số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 2.701 doanh nghiệp, giảm 18,3% tương đương 607 doanh nghiệp so với năm 2012 do thực hiện chủ trương cổ phần hóa, bình quân mỗi năm giảm 3%.

Theo khu vực kinh tế, số lượng doanh nghiệp dịch vụ tăng cao nhất, trong đó, khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp lớn nhất với 362 nghìn doanh nghiệp, chiếm 70% tổng số doanh nghiệp, tăng 57% so với năm 2012 trong đó 354 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 61% so với năm 2012. Một số ngành thuộc khu vực này có số lượng doanh nghiệp tăng mạnh như giáo dục đào tạo tăng 155%, Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 106%, chuyên môn khoa học công nghệ tăng 87%, y tế tăng 84%, vận tải kho bãi tăng 63,9%, kinh doanh bất động sản tăng 63%... Điều này phản ánh hiệu quả của chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước chuyển các đơn vị hoạt động sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp.

Khu vực công nghiệp và xây dựng có 151 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 29% và tăng 41% so với năm 2012 trong đó 146 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 44,6%, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm số doanh nghiệp khu vực này tăng 7,7% trong đó các ngành có tốc độ tăng khá gồm cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 73%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 40,5%, xây dựng tăng 43%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp thấp nhất với 4.942, tăng 27% so với năm 2012 trong đó doanh nghiệp đang hoạt động năm 2017 là 4.447 doanh nghiệp, tăng 34,5% so với năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này chỉ tăng 6,1%. Ở khu vực này, đáng chú ý là các doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp tăng cao với 50% so với năm 2012. Đây là kết quả của chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản những năm gần đây. 

Theo ngành kinh tế, lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất và có mức tăng cao nhất. Cụ thể, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực công nghiệp và xây dựng hiện đang thu hút nhiều lao động nhất với 9,1 triệu người, chiếm 64,7% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp, tăng 28,4% so với năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 404 nghìn lao động.

Mặc dù có số lượng doanh nghiệp chiếm đa số, cao hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng nhưng các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ với số lao động của khu vực này tại thời điểm 01/01/2017 chỉ đạt 2,7 triệu người, tăng 31,9% so với năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm thu hút thêm 132 nghìn lao động

Do số lượng doanh nghiệp còn rất nhỏ bé nên số lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tại thời điểm 01/01/2017 chỉ có 253 nghìn người, giảm nhẹ so với năm 2012.

Có 5 ngành kinh tế cấp 1 thu hút nhiều lao động nhất (83% tổng số lao động khu vực doanh nghiệp) gồm: công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. Riêng ngành chế biến chế tạo thu hút tới 6,8 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 48%, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2012 do sự tăng trưởng mạnh của các ngành may mặc, giày dép, sản xuất sản phẩm điện tử, chế biến thực phẩm và sản xuất các sản phẩm từ kim loại. Các ngành này đóng góp tới 71% mức tăng chung về lao động của công nghiệp chế biến chế tạo so với năm 2012. Số doanh nghiệp ngành vận tải tăng 69%, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi lưu giữ hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận tải là 2 nhóm ngành có tốc độ tăng cao nhất với 108% và 88% so với năm 2012.

Số lượng doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ  tăng mạnh hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn. Xét theo qui mô lao động, tại thời điểm 01/01/2017 cả nước có hơn 10 nghìn doanh nghiệp lớn, tăng 29% so với năm 2012 và chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, giảm so với 2,3% của năm 2012. Doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số doanh nghiệp. Đáng chú ý là tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy qui mô doanh nghiệp đang nhỏ dần.

Số doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, phù hợp với bối cảnh hội nhập; gia công hàng hóa với nước ngoài đóng góp lớn vào mức tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu 5 năm qua. Số lượng doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu thời điểm 01/01/2017 khoảng 63 nghìn, tăng 48,2% so với cùng thời điểm năm 2012, tốc độ tăng bình quân hàng năm thời kỳ là 8,2%, trong đó số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu là 23,3 nghìn, tăng bình quân 7,1%/năm, doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu là 55,1 nghìn, tăng bình quân 8,7%/năm và doanh nghiệp có cả hai hoạt động là 15,4 nghìn, bình quân hàng năm tăng 8,3%.

Hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào mức tăng trưởng cao của xuất, nhập khẩu. Theo số liệu từ Tổng điều tra và từ Tổng cục Hải quan cung cấp cho thấy số lượng các doanh nghiệp có hoạt động gia công đơn thuần (nhập khẩu nguyên liệu của người đặt hàng nước ngoài và xuất khẩu thành phẩm, chỉ nhận phí dịch vụ gia công, không có sự chuyển quyền sở hữu với hàng hóa) là gần 4,2 nghìn, hầu hết thuộc các ngành dệt may, giày dép và chiếm khoảng 20% số doanh nghiệp thuộc các ngành này.

Về cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản

Tại thời điểm 01/07/2017 cả nước có 5,14 triệu cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản (cơ sở cá thể), tăng 11,2% so với năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng  23,4% của năm 2012 so với năm 2007. Bình quân mỗi năm tăng 2,15%. Các cơ sở cá thể thu hút 8,7 triệu lao động, tăng 9% so với năm 2012. Mức tăng bình quân hàng năm thời kỳ 2012 – 2017 là 1,7%. Mức tăng/giảm khác nhau giữa các ngành: ngành xây dựng tăng 8,4%, thương mại tăng 12,8% và ngành dịch vụ khác tăng 22,7%; công nghiệp giảm 4,5% và số cơ sở hoạt động trong ngành vận tải, kho bãi giảm 4,5%.

Xét theo tình trạng đăng ký kinh doanh (ĐKKD), tỷ trọng các cơ sở đã có giấy chứng nhận ĐKKD chiếm 26,2%, các cơ sở chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chiếm 57,9%, còn lại là các cơ sở đã đăng ký nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận ĐKKD và không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của nhà nước.

Tuy chiếm tỷ trọng tới 87,8 về số lượng cơ sở nhưng tỷ trọng về lao động của khối cơ sở SXKD cá thể chỉ chiếm 32% tổng số lao động của các cơ sở kinh tế, HCSN. Các cơ sở SXKD cá thể chuyển dịch theo hướng chung phát triển khu vực dịch vụ. Tỷ trọng số lượng cơ sở dịch vụ chiếm tới 77%, tăng 17% so với năm 2012, là khu vực có mức tăng mạnh nhất.

Quy mô của các cơ sở SXKD cá thể vẫn rất nhỏ lẻ và có xu hướng giảm nhẹ so với trước. Số lao động bình quân trong một cơ sở SXKD cá thể năm 2017 là 1,68 lao động, thấp hơn mức 1,72 của năm 2012.

Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng là vùng có cơ sở cá thể lớn nhất, chiếm 26% số lượng và 27% lao động, tiếp theo là Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 23% và 22%, Tây nguyên vẫn là vùng có số lượng cơ sở cá thể thấp do số lượng và mật độ dân cư thấp, cơ cấu không thay đổi so với 2012.

Về đơn vị hành chính sự nghiệp

Số lượng cơ sở và lao động của khu vực hành chính sự nghiệp tương đối ổn định và mức tăng thấp hơn năm 2012. Cụ thể, tổng số đơn vị thuộc khối hành chính, sự nghiệp năm 2017 là 143,7 nghìn, tăng 2,3% so với năm 2012 và thấp hơn so với mức tăng 5,7% của năm 2012 so với năm 2007.

Trong khối sự nghiệp, số lượng cơ sở y tế giảm không đáng kể so với năm 2012 do một số đơn vị  chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Có 46 nghìn cơ sở giáo dục đào tạo, tăng 2,9%, 1,6 nghìn cơ sở văn hóa thể thao, tăng 6,8%; 1,4 nghìn cơ sở thông tin truyền thông, tăng 6,9% và 10,8 nghìn cơ sở sự nghiệp khác, tăng 2% so với năm 2012. Số lượng các tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội là 35,1 nghìn tăng 3,6%.

Lao động của khu vực hành chính sự nghiệp năm 2017 là 3,8 triệu người, tăng 11,3% so với năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,5% của năm 2012 so với 2007, bình quân hàng năm thời kỳ 2012 - 2017 tăng 2,2%. Lao động khu vực này đóng góp 14% tổng lao động của khu vực kinh tế, hành chính sự nghiệp và giảm một điểm phần trăm so với mức tăng của năm 2012. Các đơn vị sự nghiệp đóng góp lớn nhất vào mức tăng của khu vực này, chiếm tỷ trọng 70%,  tăng 14,6% so với năm 2012 trong đó các cơ sở y tế tăng tới 19,5%, giáo dục đào tạo tăng 12,8%, văn hóa, thể thao tăng 15,6%, cơ sở sự nghiệp khác tăng 25%. Trong các đơn vị sự nghiệp thì sự nghiệp công lập vẫn chiếm tỷ lệ tới 96% với gần 70,7 nghìn cơ sở và 2,45 triệu lao động

Số lượng cơ sở sự nghiệp được Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động chiếm tỷ trọng lớn với 70,2% số cơ sở và 55,4% số lao động. Các đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên mới chỉ ở mức 15,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập với 25,4% số lao động. Các đơn vị tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ chiếm 10,8% số lượng với 14,3% số lao động. Các đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và đầu tư vận dụng cơ chế như doanh nghiệp hoặc đề án thí điểm tự chủ, đơn vị tự bảo đảm toàn bộ hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tổng số cơ sở của cả ba loại hình này chưa đến 4%, lao động khoảng 5%.

Cơ sở y tế, giáo dục phát triển mạnh do sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp. Tuy số lượng cơ sở y tế thuộc khối hành chính sự nghiệp không tăng nhưng đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế của các cơ sở công lập tăng 19,3% so với năm 2012. Trong 5 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động y tế tăng, nâng số cơ sở lên 1.523, tăng 74% so với năm 2012. Chưa kể các cơ sở cá thể hoạt động khám chữa bệnh có quy mô nhỏ, tổng số cơ sở khám chữa bệnh thuộc đơn vị HCSN và doanh nghiệp là 15,2 nghìn cơ sở, tăng 3,6%, trong đó có 1.131 bệnh viện, tăng 6% so với năm 2012.

Cơ sở giáo dục đào tạo là đơn vị sự nghiệp chiếm tỷ trọng 62,5% tổng số cơ sở thuộc hoạt động này và thu hút gần 70% lao động khu vực sự nghiệp. Những năm gần đây các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào hoạt động giáo dục đào tạo với 5,1 nghìn cơ sở, tăng 81%. Chưa kể khu vực cá thể, tổng số cơ sở giáo dục thuộc khối doanh nghiệp và sự nghiệp là 51,1 nghìn, thu hút 1,86 triệu lao động, tăng tương ứng là 7,6% và 14% so với năm 2012.

Thời điểm 01/01/2017 có 222 đơn vị với 4,2 nghìn lao động thuộc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Các đơn vị này lần đầu tiên được thu thập thông tin trong TĐT kinh tế năm 2017.

Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các các đơn vị hành chính sự nghiệp nâng lên nhưng tỷ lệ sử dụng máy tính và internet để cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức độ thấp. So với năm 2012, số lượng các đơn vị hành chính sự nghiệp có sử dụng máy tính đã tăng từ 89% lên 98%, sử dụng internet đạt 95% tuy nhiên mục đích sử dụng internet còn khá đơn giản, chủ yếu để gửi và nhận email (98%), tìm kiếm thông tin (94%), học tập nghiên cứu (85%) trong khi tỷ lệ cơ sở sử dụng máy tính và internet để điều hành tác nghiệp chỉ đạt 36%, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 12,6% trong đó các cơ quan Trung ương 87%, cơ quan địa phương 12%. Xét theo mức độ cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến qua internet, chỉ có 1,2% số cơ sở ở mức độ 4 trong đó cơ quan Trung ương 12,8%

Về cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng

Tại thời điểm Tổng điều tra cả nước có trên 42,7 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, tăng 19,5% với 140,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại cơ sở tăng 7,9% so với  năm 2012. Mặc dù số lượng tăng nhanh nhưng quy mô của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng còn nhỏ chỉ với 3,3 người/1 cơ sở giảm so với mức 3,6 người/1 cơ sở của năm 2012. Sự phát triển số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta tôn trọng, tạo điều kiện phát triển cho hoạt động của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nhân dân.

Tới đây, kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế 2017 sẽ được công bố với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ và những phân tích chuyên sâu, chuyên đề thông qua nhiều hình thức (sách, đĩa CD, Webside, cơ sở dữ liệu vi mô và vĩ mô...) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin về kinh tế nước ta, phục vụ công tác quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin.  

Một số chỉ tiêu kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp đang hoạt động: Về huy động vốn, tại thời điểm 01/01/2017 tổng nguồn vốn được huy động vào sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp là 30,2 triệu tỷ đồng, gấp 2,03 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 15,2% nguồn vốn cho SXKD. Tại thời điểm 01/01/2017, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nguồn vốn nhiều nhất với 16,8 triệu tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 17,1% nguồn vốn cho SXKD. Mặc dù số doanh nghiệp liên tục giảm do cổ phần hóa nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn thu hút nhiều nguồn vốn cho SXKD, tính đến thời điểm 01/01/2017 khu vực này thu hút 8,4 triệu tỷ đồng, gấp 1,72 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm các doanh nghiệp nhà nước thu hút thêm 11,5% vốn cho SXKD. Các doanh nghiệp FDI thu hút 5,07 triệu tỷ đồng vốn cho SXKD, gấp 2,12 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm các doanh nghiệp FDI thu hút thêm 16,3% vốn cho SXKD.

Theo ngành kinh tế, tại thời điểm 01/01/2017 các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ thu hút nhiều vốn cho sản xuất kinh doanh nhất với 18,5 triệu tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 13,6% vốn cho SXKD. Tuy có khối lượng vốn thu hút thấp hơn khu vực dịch vụ nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực công nghiệp và xây dựng đang là khu vực có tốc độ thu hút vốn nhanh nhất khối doanh nghiệp. Thời điểm 01/01/2017 các doanh nghiệp khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 11,6 triệu tỷ đồng vốn, gấp 2,3 lần năm 2012, bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 18,4% vốn cho SXKD.

Tại thời điểm 01/01/2017 có 5.369 doanh nghiệp có nguồn vốn từ 500 tỷ đồng trở lên, tăng 89% so với năm 2012 trong đó 62% là các doanh nghiệp ngoài nhà nước, 24% thuộc khu vực FDI. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong ngành chế biến chế tạo, xây dựng, thương mại, kinh doanh bất động sản.

Về doanh thu năm 2016, khu vực doanh nghiệp tạo ra 17,45 triệu tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 1,7 lần năm 2011, bình quân 5 năm qua mỗi năm toàn bộ khu vực doanh nghiệp tạo ra thêm 11,9% doanh thu (thấp hơn mức tăng thêm 15,2% của vốn). Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có doanh thu đạt cao nhất với 9,76 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 khu vực này tạo ra thêm 11,9% doanh thu. Tiếp đến là khu vực các doanh nghiệp FDI năm 2016 tạo ra 4,81 triệu tỷ đồng, gấp 2,37 lần năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2016 mỗi năm khu vực này tạo ra thêm 18,8% doanh thu. Thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, năm 2016 chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 6,7% so với năm 2011.

Theo ngành kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực doanh nghiệp lớn nhất, có mức doanh thu năm 2016 khá tương đồng. Doanh thu của các doanh nghiệp dịch vụ năm 2016 đạt 8,75 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2011. Các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra 9,02 triệu tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2011

Về mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất với 46%, tiếp đến là các doanh nghiệp nhà nước 29% và doanh nghiệp FDI là 25%. Các doanh nghiệp dịch vụ đóng góp 51,7% tổng các khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng đóng góp 48% cho ngân sách của khối doanh nghiệp.

Số lượng và lao động các hợp tác xã có xu hướng giảm trong những năm gần đây, tại thời điểm 01/01/2017 có 13,5 nghìn HTX, giảm nhẹ so với năm 2012. Các hợp tác xã thu hút 206 nghìn lao động, giảm 14,9% so với năm 2012. Theo ngành kinh tế, các hợp tác xã chủ yếu hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 51%), dịch vụ (chiếm 29,5% trong đó chủ yếu là các quỹ tín dụng nhân dân và hoạt động thương nghiệp). Khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 19,5% số lượng hợp tác xã. Các con số trên cho thấy hoạt động chưa thực sự hiệu quả của mô hình kinh tế này.

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực