Sử dụng Internet thông minh và an toàn để bảo vệ trẻ em (S_NET)

Thứ sáu, 02/02/2018 15:33
(ĐCSVN) – Thực tế cho thấy sử dụng Internet có rất nhiều rủi ro và trẻ em lại càng là đối tượng nguy cơ cao phải đối mặt với các mặt trái của công nghệ số. Việc trang bị kế thức, kỹ năng cho cả trẻ em và người lớn về an toàn mạng vô cùng quan trọng, không chỉ là những kỹ thuật sử dụng công nghệ, mà còn là những hành vi ứng xử an toàn và thông minh trong cách mối quan hệ “ảo”.

Đây là thông tin được khẳng định tại Sự kiện Chào mừng An toàn Internet quốc tế 2018: Sử dụng Internet thông minh và an toàn để bảo vệ trẻ em (S_NET). Sự kiện điễn ra ngày 2/2, tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông Vietnet ICT (Vietnet – ICT) tổ chức.

Đông đảo các đại biểu tham dự sự kiện (Ảnh: T.L)

Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày An toàn Internet Quốc tế 2018, đồng thời là sự tiếp nối của chuỗi chương trình Công dân số do Trung tâm Vietnet-ICT và MSD thực hiện từ năm 2017 với mục đích thực hiện các nghiên cứu và chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức cho trẻ em và các bên liên quan về các rủi ro và cách thức bảo vệ trẻ trên môi trường trực tuyến.

Tham dự sự kiện có Đại diện đến từ Cục Trẻ em, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, Đại diện đơn vị tổ chức MSD và Vietnet - ICT, đại diện trẻ em, các tổ chức xã hội, trường học, các công ty giáo dục, công nghệ, phóng viên các cơ quan báo đài và các cá nhân quan tâm đến chủ đề và nội dung của sự kiện.

Phát biểu khai mạc, Bà Nguyễn Phương Linh, Quyền viện trưởng Viện MSD, đại diện đơn vị chủ trì cho biết cần tăng cường sự tham gia của các bên liên quan như nhà nước, gia đình, nhà trường, các doanh nghiệp, truyền thông, các tổ chức xã hội trong đồng hành và hướng dẫn trẻ em biết cách sử dụng internet thông minh và an toàn. Hơn hết, trong việc vận dụng lý thuyết, các nguyên tắc, cần ưu tiên việc thực hành..

Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng CNTT, không dạy về sử dụng mạng an toàn

Theo thống kê của DAMMIO - We are social (Anh) trong một khảo sát tình hình sử dụng Internet ở khu vực Đông Nam Á, tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 50.05 triệu người dùng Internet chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016. Số người dùng Internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỉ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình. Việt Nam có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số.

Báo cáo tình hình trẻ em thế giới hàng năm của UNICEF vào ngày 12.12.2017 cho biết, internet trở thành người bạn không thể thiếu với cả người lớn và trẻ em. Ở Việt Nam, cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em. Nói về thực trạng kỹ năng an toàn thông tin số của công dân Việt Nam, Ông Nguyễn Minh Đức - Đại diện Trung tâm Vietnet ICT nhấn mạnh nhận thức An toàn thông tin của công dân Việt Nam (dù có sự khác biệt ở từng phân khúc) có sự thiếu hụt lớn thể hiện ở nhiều hiện tượng phổ biến trong hàng chục năm qua như: Kỹ năng ATTT chưa được chú trọng từ khâu đào tạo trong nhà trường và trong môi trường công việc; Khả năng tự bảo vệ của công dân trước hiểm họa mạng (dù là mức đơn giản) không cao, dễ dàng bị tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển; Thói quen sử dụng phần mềm không bản quyền; Không sử dụng phần mềm phòng chống virus (AV) hoặc có sử dụng nhưng không cập nhật, thích dùng bản miễn phí; Cắm USB bừa bãi làm tăng khả năng lây nhiễm mã độc và thất thoát thông tin; …

Và đa phần trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Cũng có ý kiến cho rằng, hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng CNTT, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Theo khảo sát về các sáng kiến thúc đẩy an toàn mạng của Vietnet ICT cũng chỉ rõ, hầu hết các sáng kiến mới chỉ tập trung vào các kỹ thuật an ninh mạng chứ chưa nhiều sáng kiến liên quan đến điều chỉnh hành vi của trẻ em khi sử dụng mạng.

Có thể nói, bên cạnh những lợi ích thiết thực, không thể phủ nhận mà Internet mang lại, Internet và việc sử dụng Internet không an toàn cũng gây ra những tác đông tiêu cực. Internet làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai, xâm phạm thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến, v.v.. Và các mạng kỹ thuật số như các trang web đen tạo điều kiện cho các hình thức bóc lột và lạm dụng, bao gồm nạn buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em “theo đơn đặt hàng”.

Những nỗ lực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…

Để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan. Chia sẻ về những nỗ lực của Nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho biết Việt Nam đưa ra đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điều 54 của Luật trẻ em có quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của các bên liên quan. Bên cạnh đó, Nghị định 56/2017/NĐ-CP dành riêng Chương IV quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó đề cập đến 10 nhóm thuộc đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em cần được bảo mật như tên tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín; thông tin về nơi ở, quê quán; thông tin về trường lớp, kết quả học tập; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Đại diện đến từ Đại sứ quán Thụy Điển nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng mình cần có các “liều thuốc” để giúp các bạn trẻ sử dụng Internet thông minh hơn và an toàn hơn. Nếu các bạn trẻ có kiến thức để phân tích được đâu là nguồn thông tin tốt là một điều quan trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đưa chủ đề Internet và Trẻ em vào trong diễn đàn Internet diễn ra trong năm 2018 này”.

Sự kiện cũng đề cập đến những sáng kiến của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy sử dụng mạng an toàn mạng thông minh và an toàn để bảo vệ trẻ em, tiêu biểu là sáng kiến của chương trình Công dân số là chương trình do MSD phối hợp với Vietnet ICT thực hiện từ năm 2017. Chia sẻ về chương trình, chị Lưu Vũ Thuỳ Linh, quản lý dự án làm rõ “Chương trình Công dân số có mục tiêu nâng cao nhận thức, thực hành và kết nối các bên liên quan (trẻ em, gia đình, nhà trường và các nhà hoạch định chính sách) trong bảo vệ trẻ em An toàn trên môi trường mạng. Với phương pháp và các kênh truyền thông đa dạng, chương trình muốn vừa nâng cao năng lực, kiến thức, vừa truyền cảm hứng cho các bên liên quan trong các nỗ lực đồng hành và hỗ trợ trẻ em làm chủ công nghệ, sử dụng thông minh và an toàn”.

Không chỉ trẻ em mà còn người lớn cũng cần phải được bảo vệ trên môi trường mạng bởi chúng ta không lường trước được những rủi ro của môi trường này. Internet cho chúng ta sự tự do bởi vì chúng ta không phải ký bất kỳ một hợp đồng nào; không phải thực hiện trách nhiệm của một công dân trong xã hội.

Và chính trẻ em cũng có thể là những ngươi đưa ra các sáng kiến để tự làm chủ mình. Em Nguyễn Đức Anh, Cựu Chủ nhiệm Câu lạc bộ phóng viên nhỏ đại diện cho trẻ em chia sẻ “Giáo dục trẻ em trên môi trường mạng là giáo dục cho các em trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. Khi trẻ em chưa ý thức được những rủi ro trên môi trường mạng, các em cũng sẽ không biết cách để tự bảo vệ chính mình. Trẻ em cần được giáo dục để bảo vệ mình bởi vì Trẻ em có khả năng tự bảo vệ mình. Việc chúng ta cần làm là giáo dục để trẻ em biết cách để bảo vệ mình. Không có ai bảo vệ được trẻ em tốt hơn bản thân các em”.

Người lớn có nên chia sẻ ảnh trẻ em trên mạng?

Đây là chủ đề được thảo luận rất sôi nổi trong Thảo luận của chương trình với sự tham gia của Bà Lê Thiên Hương - TS. Luật học, Bà Nguyễn Thanh Nga - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục Tiềm năng & Con người và tất cả những người tham dự.

Trả lời cho câu hỏi chính của chủ đề, có ý kiến cho rằng bố mẹ là người giám hộ cho trẻ, nên bố mẹ có quyền đưa ảnh con lên mạng. Em Lê Minh Hiển (CLB Phóng viên nhỏ) nói thêm “cháu đồng ý với quan điểm trên là bố mẹ có thể đưa ảnh con lên mạng nhưng với điều kiện là che thông tin không cần thiết”.

Và cũng có ý kiến nhấn mạnh việc hỏi ý kiến các trẻ trước khi đăng tải hình ảnh trẻ lên mạng. Cũng có bố mẹ cho biết mình có những nguyên tắc riêng như không chụp ảnh cận cảnh của con; không chia sẻ ảnh khi con mặc trang phục thoáng; không chia sẻ ảnh riêng tư của con…

Theo quy định của pháp luật, việc đăng tải hình ảnh trẻ em mà gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hình sự hoặc hành chính, tùy theo từng trường hợp. Người lớn  không được chia sẻ thông tin cá nhân và ảnh của trẻ em trên mạng nếu không có sự đồng ý và cân nhắc của người giám hộ hợp pháp và nếu trên 7 tuổi phải hỏi ý kiến các em, tuy nhiên, thực tế cho thấy còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn. Sức lôi cuốn của việc “khoe” ảnh con trẻ rất lớn.

Trên thực tế, trong Luật, định nghĩa về quyền riêng tư vẫn còn những lỗ hổng ví dụ như giọng nói của trẻ em, hay những thông tin nằm trong bệnh án được xem là quyền riêng tư, nhưng vẫn có những thông tin nhạy cảm của trẻ em, không được ghi trong bệnh án vẫn là thông tin cá nhân. Đây là vấn đề cần được quan tâm để quy định rõ hơn trong Luật.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc để trẻ em dần tiếp xúc với những thiết bị số sẽ mang lại nhiều lợi thế để các em phát triển. Tuy nhiên, môi trường Internet cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro đe dọa đến sự an toàn của trẻ. Con trẻ chỉ có thể phát triển một cách tự nhiên và lành mạnh nếu gia đình, thầy cô và nhà trường quan tâm, định hướng và giáo dục con sử dụng Internet một cách thông minh và hiệu quả.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực