Thay đổi phương thức kiểm tra, gỡ khó cho ngành giấy

Thứ bảy, 23/02/2019 15:07
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về phế liệu nhập khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành giấy trong nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất.

 

Thay đổi phương thức kiểm tra, gỡ khó cho ngành giấy  (Ảnh minh họa: vmax)

Theo Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT (Thông tư 08) của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, phế liệu của doanh nghiệp thông quan ở cảng nào thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải đến cảng đó kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu. Công tác kiểm tra, giám định tại hiện trường đối với phế liệu nhập khẩu là kiểm tra bằng mắt thường và kiểm tra 100% lô hàng.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), những quy định này là không hợp lý. Chỉ riêng việc mở container để kiểm tra đã mất rất nhiều thời gian, chưa nói đến có những khu cảng không thể đáp ứng yêu cầu mở hàng cùng một lúc đối với nhiều container.

Hơn nữa, những quy định này còn khiến thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp kéo dài gây phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi tại cảng. Theo thống kê, phí lưu container, lưu bãi của ngành giấy đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu nhập khẩu. Chi phí sản xuất do đó đã tăng thêm gần 10% so với giá thành, khiến sản phẩm sản xuất trong nước cạnh tranh rất vất vả với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực ngay tại sân nhà...

Ngành giấy hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn phế liệu cho sản xuất trong nước. Theo ước tính sơ bộ, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu, trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Rõ ràng, do thiếu nguyên liệu, nhập khẩu giấy phế liệu là giải pháp bắt buộc đối với các doanh nghiệp tái chế giấy trong nước hiện nay.

Đại diện VPPA cũng cho rằng, việc siết chặt kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu nhằm bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại là cần thiết, tuy nhiên, hiện nay sự chồng chéo, không hợp lý của các quy định trong việc kiểm soát phế liệu giấy nhập khẩu đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thực tế, một số doanh nghiệp ngành giấy do khó khăn trong đáp ứng quy định mới về nhập khẩu phế liệu đã phải tạm dừng sản xuất. Đại diện VPPA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Thông tư 08 cho phù hợp với thực tế hiện nay. Cùng với đó, các đơn vị thực hiện việc kiểm tra tỷ lệ xác suất đối với một số doanh nghiệp theo phân luồng của ngành hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đã và đang chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về xác suất phế liệu và bảo vệ môi trường.

Trước kiến nghị của VPPA, đồng thời gỡ khó cho doanh nghiệp tái chế giấy trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, thay vì Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương thực hiện công tác kiểm tra, đơn vị giám định độc lập được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định sẽ tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định, chất lượng của lô hàng phế liệu nhập khẩu. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư 08.

Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1036/VPCP-TH về việc thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu, trong đó yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư bãi bỏ những bất cập quy định trong Thông tư 08, hoàn thành trước ngày 15/2/2019.

 

Uông Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực