Thu hút FDI: Thay “kêu gọi đầu tư” bằng “hợp tác đầu tư”

Chủ nhật, 08/09/2019 17:04
(ĐCSVN) - Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.

Trong khuôn khổ Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 6/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã cùng tham gia.

Các khách mời tham gia Tọa đàm (Ảnh: PV)

Trước đó, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030”. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới.

Tọa đàm lần này nhằm phân tích, chia sẻ đánh giá về việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài với những tồn tại, hạn chế, thậm chí còn phát sinh những vấn đề mới, mà đã đến lúc cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, ngay từ những ngày đầu mở cửa Đảng, Nhà nước cũng đã có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng tiềm năng lợi thế của họ trong vốn đầu tư, công nghệ… thực tế, các chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa bằng 4 bộ luật quan trọng của đầu tư nước ngoài.

Đó là Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987; Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996; Luật Đầu tư chung 2014 và 2015. Thông qua 4 bộ luật đầu tư này, Việt Nam đã tạo được cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc thu hút và xử lý vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một luồng vốn quan trọng hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, bên cạnh những mặt tích cực, nguồn vốn FDI cũng có những hạn chế nhất định và đặc biệt đến thời điểm này, sau 30 năm, vị thế của đất nước có nhiều thay đổi. Việt Nam có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn và bây giờ đã đến thời điểm cần ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp, những dự án phù hợp với chiến lược phát triển về mặt khoa học, công nghệ… Còn đối với những dự án rủi ro về môi trường, xã hội thì cần loại bỏ.

Chính vì vậy, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị lần này đã đưa ra những định hướng, chủ trương rất quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này và bên cạnh đó hạn chế những rủi ro mà dòng vốn FDI có thể mang lại.

Đặc biệt, trong Nghị quyết đã có những thay đổi rất quan trọng, đó là dùng từ hợp tác chứ không phải là thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI. Chữ “hợp tác” ở đây đã thể hiện sự bình đẳng, và sự chủ động của Việt Nam trong làm việc với các đối tác đầu tư nước ngoài; đặc biệt, đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ hoạt động ở Việt Nam, Thứ trưởng Thắng chỉ ra.

Bày tỏ quan điểm về các nhà đầu tư FDI “núp bóng”, “chuyển giá” , Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, với định hướng mới, Việt Nam sẽ mở ra một làn sóng thu hút  đầu tư mới. Thời gian qua, bên cạnh những tác động rất tốt của thu hút FDI, tuy nhiên, có những điểm còn chưa thành công như: hiệu quả của dòng vốn FDI chưa tương xứng với số lượng của các dự án đầu tư.  Mục đích của chúng ta là sự chuyển giao công nghệ, sự lan tỏa công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhưng những điều này Việt Nam làm chưa được nhiều. Có thể nói, nếu đầu tư FDI không có sự lựa chọn thì sẽ không có sự kết nối được với những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; không những thế, còn có hiện tượng chèn lấn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam", ông Lộc cho biết.

“Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế của Việt Nam còn tương đối thấp; kết nối không cao… Ngoài ra, còn xuất hiện những doanh nghiệp FDI chuyển giá, gian lận thương mại. Hiện tượng đó, chúng ta cần có những biện pháp rất chuyên nghiệp và quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đại diện địa phương, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng, ông Lê Văn Thành cho rằng, nếu chỉ nhìn vào con số để nói doanh nghiệp FDI lấn át doanh nghiệp trong nước thì cũng cần cân nhắc. Thay vào đó, chúng ta cần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước để đảm bảo tính kết nối, liên thông giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, chúng ta cần trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của nhà đầu tư nước ngoài. Nghĩa là vừa “kéo”, vừa “đẩy” đối với các doanh nghiệp trong nước.

Tại tọa đàm, các ý kiến chia sẻ đều đồng tình với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, định hướng cho việc xây dựng thể chế pháp luật để Việt Nam định hướng một “làn sóng” đầu tư mới của Việt Nam.

Theo đó, như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Nghị quyết 50 đặc biệt nhấn mạnh tính kết nối, liên thông giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nghị quyết cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

“Các doanh nghiệp FDI không nghiễm nhiên có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà nhà nước ta, bằng thể chế chính sách hoàn chỉnh mới có thể thúc đẩy họ làm việc này”, ông Vũ Đại Thắng nói.

Đáng lưu ý, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, nội dung về bảo đảm an ninh quốc phòng trong hoạt động FDI không phải là vấn đề hoàn toàn mới, mà đều đã có trong các quy định hiện hành và các nước cũng đều như vậy đồng thời nhấn mạnh yêu cầu rà soát lại các tác động của dự án trên phương diện quốc phòng an ninh, môi trường, tác động văn hóaxã hội ngay từ đầu, từ khi tiếp nhận đề nghị đầu tư.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và sức lan tỏa của FDI, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (dưới đây gọi tắt là NQ50) có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới.

Những định hướng về thu hút đầu tư trong Nghị quyết 50 một mặt nhằm đón được làn sóng đầu tư mới với trình độ công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi; mặt khác vẫn chú trọng đúng mức đến các ngành nghề đầu tư truyền thống sử dụng nhiều lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị cũng nhìn nhận những thực trạng còn hạn chế trong đầu tư FDI. Nghị quyết số 50 chỉ ra, “số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn... Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư 'chui,' đầu tư 'núp bóng' ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, trong tổng số 350 tỷ USD vốn FDI đăng ký đã có 180 tỷ USD bơm vào nền kinh tế. Dư địa còn đến 170 tỷ USD chưa được thực hiện. Lý do khách quan là bởi độ trễ của dự án đầu tư, song có một phần khác đến từ những dự án ‘ảo’, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án đang ký vốn lớn song lại giải ngân rất thấp.

“Việc vào cuộc của các cấp, các ngành sẽ hạn chế được các dự án ‘vốn ảo’ với mục tiêu tìm kiếm các dự án có hiệu quả. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong việc lựa chọn thuộc về các chính quyền địa phương. Việc cấp phép và giấy chứng nhận đầu tư là của chính quyền địa phương, do đó họ có quyền xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn thu hút vốn đầu tư, lựa chọn các dự án xác đáng” - Thứ trưởng Thắng nói./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực