Tư nhân hóa dịch vụ công mang lại nhiều lợi ích

Thứ năm, 16/05/2019 16:48
Theo ông Vũ Tiến Lộc, tại Việt Nam, Nhà nước và khối tư nhân đã có sự thu hẹp khoảng cách, nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế đã có sự tham gia của tư nhân. Điều này có được là nhờ sự tham gia của khu vực tư nhân qua đó tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh:M.P)

Đó là nhận định của  ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công” do VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm nay (15/5) tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, tại Việt Nam, Nhà nước và khối tư nhân đã có sự thu hẹp khoảng cách, nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế đã có sự tham gia của tư nhân. Điều này có được là nhờ sự tham gia của khu vực tư nhân qua đó  tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

“Dù vậy, hiện vẫn còn tình trạng, các cơ quan Nhà nước vừa làm chính sách vừa thực thi chính sách, theo một quy trình gần như khép kín dẫn tới tình trạng không minh bạch”, ông Lộc đánh giá.

Ông Lộc dẫn giải, nhiều dịch vụ chỉ mang tính chất đăng ký, thông báo, người dân và doanh nghiệp đơn thuần chỉ phải thông báo với cơ quan quản lý, nhưng thực tế làm việc lại phải thành cơ chế “xin – cho”. Thậm chí, việc kiểm tra tuân thủ các dịch vụ công cũng do chính cơ quan Nhà nước thực hiện.

Chính vì những nguyên nhân này, Chủ tịch VCCI đã nêu ra nhiều lợi ích của việc tư nhân hóa các dịch vụ công, theo ông, việc này sẽ “một mũi tên trúng nhiều đích”.

Theo đó, tư nhân hóa dịch vụ công sẽ thoái được sức Nhà nước khỏi những dịch vụ không cần thiết như: xúc tiến thương mại, đầu tư, cấp giấy chứng nhận, cấp C/O… Từ đó, hoạt động này sẽ làm giảm chi tiêu, tinh gọn bộ máy, tập trung vào phục vụ chức năng cốt lõi của Nhà nước là xây dựng thể chế.

Ngoài ra, việc tư nhân hóa dịch vụ công còn giúp tránh sự chồng chéo, ngăn ngừa xung đột lợi ích, tránh tham nhũng; không chỉ thu hút được nguồn lực tài chính mà còn thu hút được trí tuệ, kinh nghiệm của khối doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, điều này còn giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng chức năng hoạt động, góp phần làm lớn mạnh khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.

Đánh giá vai trò của tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ công, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trong các lĩnh vực, nếu có sự tham gia của tư nhân thì đều đạt được những kết quả tích cực, tạo ra sự cạnh tranh theo hướng có lợi. Trong bối cảnh đầu tư công, chi tiêu công đang rất hạn chế thì nguồn lực tư nhân là rất quan trọng. Lợi ích của tư nhân không chỉ là vốn mà trình độ quản trị, cách thức quản trị cũng rất tốt. Đây có thể coi là lực đẩy, là “tài sản” quan trọng của nền kinh tế thị trường.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay còn rất nhiều dịch vụ công do các cơ quan Nhà nước thực hiện vẫn trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước, như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực… cách làm này nhiều khi đẩy cơ quan Nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi. Tuy nhiên, theo một khảo sát của VCCI, nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra lo ngại về những nguy cơ khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công như có thể tăng giá dịch vụ, khó kiểm soát chất lượng, gian dối trong kinh doanh, thậm chí cả độc quyền, tham nhũng…

Còn theo ông Michael Greene, Giám đốc USAID tại Việt Nam lại nhấn mạnh tới việc hợp tác công - tư (PPP). Bởi thời gian tới, Việt Nam cần 26 tỷ USD cho các dự án hạ tầng nên cần những cách thức đầu tư và triển khai hiệu quả.

Ông Michael Greene cho rằng, Nhà nước chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước. Do đó, ông Michael Greene rất hoan nghênh việc Việt Nam đang xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, giúp hoạt động này đưa vào khuôn khổ, thúc đẩy môi trường cạnh tranh bình đẳng./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực