Việt Nam cần chủ động về mặt chiến lược trong hợp tác Mê Công – Lan Thương

Thứ sáu, 18/05/2018 17:04
(ĐCSVN) – Đây là khuyến nghị được đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đồng tình tại Hội thảo “Hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC): Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.
TS Phạm Sỹ Thành và TS Tô Minh Thu chủ trì Hội thảo (Ảnh: HNV)

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Friedrich Naumann Việt Nam (FNF) phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 18/5, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo lần này, các đại biểu, diễn giả đã cùng phân tích, tìm hiểu về những xu thế hợp tác mới giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công và quan hệ hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong bối cảnh mới, thực trạng và những vấn đề đặt ra.

Được biết, ý tưởng hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) với sự tham gia của 6 nước ven sông được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên năm 2012. Tháng 11/2015, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Mê Công – Lan Thương lần thứ nhất đã được tổ chức lần đầu tiên tại Cảnh Hồng, Vân Nam, Trung Quốc. Cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương có sự tham gia của 6 quốc gia ven sông Mê Công - Lan Thương là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Kể từ khi thành lập đến nay, cơ chế hợp tác này đã đạt được những bước tiến quan trọng, hoàn thiện giai đoạn định hình hợp tác và bước vào giai đoạn triển khai cụ thể.

Phân tích về MLC, TS Tô Minh Thu, Giám đốc Trung tâm An ninh và Phát triển, Viện nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng, MLC có ưu điểm là một cơ chế hợp tác cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi khu vực đang cần một cơ chế giám sát và sát sườn hơn; về cơ bản khắc phục các hạn chế do tận dụng, học hỏi thành công của cơ chế trước; tận dụng các mối quan hệ với quy mô rộng hơn; có mục tiêu rõ và rộng và một quyết tâm chính trị cao. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong MLC đó là, thiếu lòng tin lẫn nhau giữa các nước hợp tác; thiếu nguồn lực thời gian và con người khi tham gia vào cơ chế; khoảng cách phát triển giữa các nước khá lớn; làm thế nào để các cơ chế này bổ trợ tạo giá trị chung cho khu vực; tính cam kết ở cấp cao sau đó mới áp xuống cơ sở trong khi vẫn khẳng định là tôn trọng các giá trị nguyên tắc chung cơ bản.

TS Tô Minh Thu cũng nhấn mạnh, MLC là một cơ chế mới, vì thế, nếu không giải quyết được việc xác định nó nằm ở đâu trong chiến lược của ASEAN và mỗi quốc gia thì hiệu quả sẽ hạn chế nhiều.

Hội thảo diễn ra ngày 18/5 tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Cũng tại Hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thêm, với cơ chế MLC, chúng ta không hy vọng sẽ có những bổ trợ hợp tác khi mỗi một cơ chế hướng tới một lợi ích khác nhau. Trong khi đó, các nội dung mới chỉ dừng ở mức gợi mở thảo luận, tiếp cận thông tin khó, chưa đáp ứng kỳ vọng của đa số. Vì thế, cần sự tham gia tích cực và phối hợp của một số bộ, ngành để cùng nhau thúc đẩy hợp tác hiệu quả.

Đồng quan điểm này, đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong khu vực Mê Công đang có sự thay đổi lớn, nổi lên cơ chế hợp tác MLC khi Nhật Bản chưa thực sự nâng sức ảnh hưởng và Hoa Kỳ cũng chưa có động thái cụ thể. Để có thể hy vọng vào sự phối hợp giữa các cường quốc trong giải quyết các vấn đề của tiểu vùng sông Mê Công cũng khó có thể thực hiện và điều này xuất phát từ chính nguyên nhân hình thành nên cơ chế hợp tác và chủ thể đứng sau cơ chế này.

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) khẳng định, Hội thảo sẽ là một kênh thông tin phù hợp, thiết thực và hữu ích để đóng góp vào bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với MLC của Việt Nam thực sự phát huy hiệu quả./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực