“Thuế tài sản không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo”

Thứ tư, 12/12/2018 22:07
(ĐCSVN) - Thực tế tại Việt Nam, thuế tài sản đã được áp dụng từ lâu như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng loại thuế này chỉ đóng góp 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm, thấp hơn các nước trên thế giới rất nhiều.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh:M.P)

Đó là đánh giá của Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, đến từ Học viện Tài chính tại hội thảo khoa học "Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm nay (12/12).

Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, có 174/193 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Việt Nam vấn đề tên gọi “Thuế tài sản” là một cách gọi không rõ ràng. Các quốc gia không dùng tên này mà đặt tên cụ thể hơn. Ví dụ như: Nhật Bản (thuế tài sản cố định), Philippines (thuế tài sản thực). Các loại thuế chính liên quan đến tài sản là thuế đất đai, thuế bất động sản, thuế tài sản, thuế của cải ròng, thuế chuyển nhượng - trao tặng - thừa kế, thuế VAT, thuế thặng dư vốn.

Theo Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, đóng góp vào ngân sách của thuế bất động sản không đáng kể theo phương diện quốc gia tại các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, chỉ bằng ¼ so với OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Phân bổ nguồn thu từ thuế bất động sản theo các cấp cũng không giống nhau giữa các nước: phần lớn phân bổ cho địa phương, nhưng cũng có những nước thuộc hoàn toàn về Trung ương.

Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường cho rằng, thực tế tại Việt Nam, thuế tài sản đã được áp dụng từ lâu như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng loại thuế này chỉ đóng góp 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm, thấp hơn các nước trên thế giới rất nhiều. Vai trò với ngân sách địa phương cũng khiêm tốn, đạt từ 5 – 7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ chiếm 2%.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định, việc đánh thuế tài sản không ảnh hưởng tới các hộ nghèo vì đã phần hộ nghèo, cận nghèo được miễn hoặc tài sản ít, không bị đánh thuế.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Phó Viện Nghiên cứu Chính sách công và Quản lý, trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra kết quả nghiên cứu về tính toán mức độ ảnh hưởng của việc đánh thuế tài sản theo đề xuất của Bộ Tài chính dựa trên khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016 do Tổng cục Thống kê điều tra đối với 9.399 hộ gia đình trên cả nước.

Đánh giá của nhóm nghiên cứu, theo phương án Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất với ngưỡng chịu thuế là trên 700 triệu đồng thì có 77,8% hộ phải nộp thuế đất và 8% số hộ phải nộp thuế nhà. Nếu ngưỡng chịu thuế 1 tỷ thì sẽ có 77,8% số hộ phải nộp thuế đất và số hộ phải nộp thuế nhà giảm còn 4,3%. Trong khi với ngưỡng chịu thuế là 2 tỷ đồng thì tỷ lệ hộ phải nộp thuế nhà chỉ 0,4%. Đây là con số được cho là rất ít và chỉ tập trung thành thị lớn.

Về số tiền thuế phải nộp, với phương án mà Bộ Tài chính đưa ra (thuế suất 0,4%, ngưỡng tính thuế 700 triệu) thì trung bình mỗi hộ dân phải nộp hơn 1,3 triệu đồng/năm, bao gồm 325.000 thuế nhà ở và 978.000 thuế đất. Với phương án này, ngân sách thu được gần 30.000 tỷ đồng.

Với phương án ngưỡng tính thuế 1 tỷ đồng thì trung bình một hộ nộp thuế  tài sản gần 1,2 triệu đồng/năm (218.000 đồng thuế nhà và 978.000 đồng thuế đất).

Trong khi với phương án ngưỡng tính thuế 2 tỷ thì mỗi hộ dân trung bình phải nộp hơn 1 triệu đồng thuế tài sản (978.000 đồng thuế đất và chỉ 39.000 đồng thuế nhà).

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu việc đánh thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình. Trong đó, với phương án Bộ Tài chính đưa ra thì chi tiêu hộ gia đình sẽ giảm trung bình khoảng 850.000 đồng/hộ/năm. Còn với phương án ngưỡng 1 tỷ đồng, chi tiêu giảm khoảng 800.000 đồng/hộ/năm; ngưỡng 2 tỷ đồng chi tiêu giảm trung bình 700.000 đồng/hộ/năm.

Việc đánh thuế tài sản không ảnh hưởng tới các hộ nghèo vì đã phần hộ nghèo, cận nghèo được miễn hoặc tài sản ít, không bị đánh thuế. TS Nguyễn Việt Cường đề xuất ngưỡng chịu thuế nhà 2 tỷ đồng. Hoặc nếu rút xuống 1 tỷ đồng cũng là một phương án hợp lý vì vừa đảm bảo thu thuế, vừa ít tác động hơn phương án do Bộ Tài chính đưa ra.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng, thực tế ở Việt Nam đã có một số loại thuế có bản chất liên quan đến thuế tài sản đó là thuế đất đai, vì vậy ông Thành cho rằng, việc thiết kế các luật thuế liên quan đến tài sản cần phải được xác định mục đích rõ ràng.

Theo Viện trưởng VERP, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có đến 51 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản là bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế thuế bất động sản có lợi cho quốc gia không phải là nhiều, đóng góp trung bình vào GDP các nước OECD là 2,12%, tại các nước đang phát triển là 0,6%, tại các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Tính trung bình tất cả các quốc gia là 1,04% GDP.

Vì vậy, nhiều quốc gia quy định thuế bất động sản là loại thuế địa phương và chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong việc đặt ra thuế suất. Đây cũng là nguồn thu quan trọng ở địa phương, giúp cải thiện chi tiêu công tại địa phương. Ví dụ tại Thái Lan, thuế bất động sản chiếm 80% thu ngân sách địa phương, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan.

Theo ông Thành, để tính toán được giá trị tài sản bất động sản để đưa ra mức thu thuế hợp lý đối với người sở hữu bất động sản đó cần có sự cung cấp số liệu của chính quyền địa phương. Nếu ngân sách địa phương không minh bạch và nguồn thu từ thuế bất động sản không được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và an ninh địa phương sẽ gây bất bình trong công luận.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực