Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung xây dựng hệ thống hậu cần dịch vụ nghề cá

Thứ hai, 09/07/2018 09:54
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện địa phương này đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hậu cần dịch vụ tuyến khơi xa, tuyến đảo, tuyến ven bờ gắn với các trung tâm dịch vụ nghề cá, bước đầu phục vụ ngành khai thác và chế biến thủy, hải sản.
Một cảng cá trên địa bàn TP.Vũng Tàu. (Ảnh: K.V)

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có nhiều cảng cá kiên cố và bán kiên cố với chiều dài cầu cảng trên 1.450m, bao gồm các cảng Cát Lở, Bến Đá, Incomap thuộc TP.Vũng Tàu; cảng Hưng Thái, Phước Hiệp, Tân Phước thuộc huyện Long Điền; cảng Lộc An mới, Lộc An cũ thuộc huyện Đất Đỏ; cảng Bình Châu thuộc huyện Xuyên Mộc; cảng Bến Đầm thuộc huyện Côn Đảo; 6 cảng cá bán kiên cố ở phường 5, phường 6, Lò Than, Tiến Thành, Lộc An cũ, Lò Vôi và một số bến cá như Long Hải, Long Sơn, Tân Hòa.

Ngoài ra, còn có các cảng của lực lượng vũ trang như Hải Đoàn 129, Hải Đoàn 18, Quân Khu 7 phục vụ cho các tàu vỏ thép đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xúc tiến đầu tư Trung Tâm nghề cá tại đảo Gò Găng, TP.Vũng Tàu. Hiện trên địa bàn tỉnh này có 13 cơ sở cơ khí đóng sửa tàu thuyền với năng lực đóng mới 350 chiếc/10.000 CV/năm và sửa chữa 3.500 chiếc/năm, một số cơ sở đủ năng lực đóng tàu vỏ thép. Đến nay, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được địa phương này đầu tư từ năm 2013 đã hoàn thành đưa vào sử dụng như khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Sông Dinh, Bến Lội, Côn Đảo.

Nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả khai thác cho ngư dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, Trường Đại học Nha Trang hướng dẫn, vận động ngư dân đầu tư máy dò ngang, radar hàng hải, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu công nghệ cách nhiệt dưới dạng bọt xốp, bảo quản lạnh bằng máy nén, công nghệ nano, sử dụng đèn led cho nghề lưới vây, câu mực.

Đến nay, đã có nhiều chủ tàu được hưởng chính sách hỗ trợ từ mô hình chuyển giao khoa học công nghệ tiến bộ nói trên, qua đây cho thấy tỷ lệ cá đạt chất lượng đến 95%, chênh lệch nhiệt độ giữa 2 hầm thể hiện rõ rệt, tỷ lệ hao hụt đá của hầm bọt xốp thấp hơn 20% so với hầm vách gỗ, tăng thời gian đi biển. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai lắp đặt được 8 máy dò ngang, 2 radar kết hợp hệ thống nhận dạng AIS và 4 mô hình hầm bảo quản trên tàu cá khai thác hải sản xa bờ, cùng với đó là một số tàu đã được trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực