Ca cao Đắk Lắk khó cạnh tranh với các loại cây trồng lâu năm

Thứ ba, 16/01/2018 15:49
Hiện nay, diện tích cây ca cao ở tỉnh Đắk Lắk đang có xu hướng giảm dần để chuyển sang trồng các loại cây lâu năm khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể, trong năm 2017, diện tích cây ca cao ở tỉnh Đắk Lắk đã giảm xuống chỉ còn 1.870 ha, giảm 33 ha so với năm 2016. Diện tích ca cao giảm tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Pắk, Krông Ana, Krông Búk…
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân làm cho diện tích ca cao ngày càng giảm là do quỹ đất để phát triển ca cao tập trung không còn nhiều, chủ yếu là trồng trong vườn nhà, trồng xen với các loại cây trồng khác, thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ cho việc phát triển cây ca cao. Đặc biệt, cây ca cao ở Đắk Lắk đang chịu sự cạnh tranh “khốc liệt” với các loại cây trồng lâu năm khác như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ…, đây cũng là cây trồng mới đối với bà con nông dân ở địa phương, lại hay bị các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại, trái ca cao chín thường bị các loài gặm nhắm ưa thích cắn phá vì vậy gây tâm lý e ngại khó “hút” được đồng bào các dân tộc đến với cây ca cao.

Anh Nguyễn Văn Long ở xã Ea Na, một trong những địa phương trồng nhiều diện tích cây ca cao của huyện Krông Ana cho biết, thực tế, hiện nay, trồng ca cao không có hiệu quả bằng trồng sầu riêng, hoặc cây bơ sáp. Anh Long phân tích, trước đây, gia đình cũng trồng gần 1 ha ca cao với vốn đầu tư lớn, tốn rất nhiều công chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nhưng lợi nhuận thu về không được bao nhiêu, trong khi đó chuyển sang trồng bơ sáp và sầu riêng, ít vốn đầu tư, ít công chăm sóc thu nhập mỗi năm từ 150 triệu đồng trở lên, gấp nhiều lần so với trồng ca cao.

Ông Huỳnh Quốc Thích kiến nghị tỉnh Đắk Lắk cần rà soát lại quy hoạch phát triển cây ca cao, kiên quyết không phát triển theo phong trào. Trên cơ sở quy hoạch, các vùng trồng ca cao cần lồng ghép với các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững để có định hướng đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ca cao bền vững.

Phó Giám đốc Sở cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, chọn tạo giống ca cao có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với vùng sinh thái, đồng thời, có chính sách về ngành hàng, chính sách hỗ trợ cho phát triển ca cao nông hộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân chuyển đổi diện tích cà phê không hiệu quả sang trồng cây ca cao…/.

Quang Huy/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực