Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Thứ năm, 14/06/2018 14:46
(ĐCSVN) - Ngày 13/6, tại Hà Nội, nhiều đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đã tham dự Hội thảo: Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức.

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của các Nghị quyết 19 là vấn đề thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định quản lý và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK nhằm cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam. Với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, năm 2017 chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế), chỉ số môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ 82 lên 68/190 nền kinh tế); chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc… Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được cho tới nay.

Có thể thấy, qua việc thực hiện các Nghị quyết 19, nhiều vấn đề được giao cho các Bộ, ngành đã có sự chuyển biến tích cực. Điển hình như: Mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và 90 giờ với hàng nhập khẩu cơ bản đạt được, trừ thời gian thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều mục tiêu đề ra cho hoạt động này đã không được như kỳ vọng.

Tại Hội thảo, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), về những mặt hàng phải KTCN, qua rà soát, Bộ này đã ban hành Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT ban hành mã HS với những mặt hàng phải KTCN; đây là lần rà soát bước đầu làm giảm căn bản mặt hàng phải KTCN trên các lĩnh vực của ngành NN&PTNT.

Trong quá trình thực hiện, có nhiều yêu cầu cải thiện KTCN chưa đạt được như yêu cầu đề ra tại các Nghị quyết 19. Cụ thể, về yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN, yêu cầu của Nghị quyết 19 là áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN trong KTCN. Đến nay, đã áp dụng trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, còn các lĩnh vực khác về cơ bản là chưa áp dụng. Cùng với đó, yêu cầu áp dụng chế độ DN ưu tiên trong quản lý KTCN đến nay cũng chưa có lĩnh vực quản lý KTCN nào áp dụng.

Theo thông tin được chuyên gia đến từ GIG cung cấp, việc thực hiện yêu cầu về áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế chưa có tiến bộ nào. Cụ thể, chưa có Bộ nào áp dụng việc đẩy mạnh công nhận lẫn nhau trong KTCN. Việc chủ động công nhận chất lượng của các nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật…) cũng chưa có Bộ nào công bố áp dụng...

Năm 2018, yêu cầu tiếp tục đặt ra là các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra từ các Nghị quyết 19 trước chưa được hoàn thành phải tiếp tục thực hiện, như: Áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN; áp dụng chế độ DN ưu tiên trong quản lý KTCN; chủ động công nhận chất lượng của các nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến; điện tử hóa thủ tục quản lý KTCN; thay đổi cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng. Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền áp dựng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiêm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm ít nhất 50% mặt hàng phải KTCN; giảm tỷ lệ các lô hàng NK phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn dưới 10%; triển khai  đủ 130 thủ tục hành chính mới qua một cửa quốc gia và một cửa ASEAN… 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực