Cải thiện môi trường kinh doanh ở các lĩnh vực

Thứ ba, 20/11/2018 17:15
(ĐCSVN) - Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với 10 nghìn doanh nghiệp dân doanh về các lĩnh vực khác nhau theo tinh thần của Nghị quyết 19 và 35, các lĩnh vực được đánh giá tốt là thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, thủ tục thuế, hải quan, giấy phép xây dựng.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 20/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 (về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh) và Nghị quyết 35 (về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020).

Theo báo cáo, một số tỉnh, thành phố được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như: Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận tích cực nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều bộ, ngành đã đưa ra phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 10 vừa qua có 15 Nghị định được ban hành. Tuy nhiên mức độ thực chất của việc cắt giảm thì không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ. Cụ thể việc xin giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn.

Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, vẫn có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện; trong đó có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này. Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành, chỉ có 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực về hoạt động xuất nhập khẩu. Song tính đến tháng 9 vừa qua mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, nhưng trong các thủ tục này chỉ có duy nhất một thủ tục là được thực hiện điện tử hoàn toàn, còn lại vẫn phải nộp thêm một bản giấy. Như vậy, mức độ cải cách rất chậm chạp. Đối với thủ tục đăng ký kinh doanh nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, mới chỉ có 13% doanh nghiệp làm thủ tục trực tuyến….

Trong minh bạch công tác thanh, kiểm tra, khá nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn tình trạng bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp. Theo PCI năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên/năm vẫn lên đến gần 40%, trong đó có 13% doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, mặc dù thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh trong có sự cải thiện đáng kể, song vẫn thấp hơn kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành, theo ông Đậu Anh Tuần, cần phải tìm hiểu rõ hơn về phương pháp và các biện pháp cải thiện chỉ số có kế hoạch tốt, đầu mối thống nhất, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cần làm thực chất, tránh hình thức. Kết quả đầu ra phải được đo lường, và đánh giá khách quan từ doanh nghiệp và người dân. Qua quá trình thực hiện Nghị quyết 19 và 35 thấy rõ vai trò của người đứng đầu trong việc phối hợp thực hiện với cơ quan khác. Cần thống nhất các tiêu chí cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, môi trường kinh doanh thời gian qua mặc dù có chuyển biến song nhiều nơi vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phù hợp đúng với yêu cầu của các doanh nghiệp. Do đó, tăng cường đánh giá, giám sát quá trình thực thi Nghị quyết 19 và 35 là cần thiết và phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Việc cải cách môi trường kinh doanh cắt giảm các thủ tục cần phải được thực hiện thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm tạo động lực để doanh nghiệp phát triển./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực