Cần cẩn trọng trong chính sách ưu đãi thuế với các đặc khu kinh tế

Thứ tư, 23/05/2018 19:15
(ĐCSVN) – Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Xung quanh nội dung này, có vấn đề chính sách ưu đãi thuế đang thu hút đông đảo sự quan tâm của công luận.

Đặc khu kinh tế giúp đột phá trong tăng trưởng kinh tế

 

Các diễn giả tại Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Nhân dịp này, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam, Đại học Quốc gia (VEPR) – thành viên của Liên minh Công bằng Thuế đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị”. Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội, chiều 23/5.

Tại đây, các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và thuế khuyến nghị trước việc Việt Nam đang có chính sách ưu đãi thuế rất lớn trong thu hút đầu tư đối với đặc khu kinh tế. Điều quan trọng trong đầu tư phát triển các đặc khu kinh tế (ĐKKT) nằm ở cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư của xã hội và có phát triển bền vững hay không là phụ thuộc vào môi trường đầu tư, tính liêm chính, minh bạch. Kinh nghiệm thành công của Trung Quốc và thất bại của Ấn Độ trong xây dựng, phát triển các ĐKKT cho thấy, thuế không phải là cứu cánh và việc thực thi chính sách ưu đãi dựa trên lợi nhuận không có tác động lớn.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải tính đến các yếu tố để các ĐKKT có thể phát triển thành công. Ở đây, phải xem xét các yếu tố nguồn lực con người gắn liền đổi mới sáng tạo, quản trị công nghệ cũng như các yếu tố công nghệ cao, thậm chí các vấn đề về tài chính, về kinh tế nông nghiệp mang đặc sắc của địa phương có ĐKKT đó. Tất nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, không coi ưu đãi thuế là giải pháp hàng đầu trong phát triển ĐKKT mà phải thể hiện sự vượt trội về hành chính, về nguồn lực và công nghệ.

Ông Henrique Alencar, Tư vấn chính sách về Thuế và Bất bình đẳng, Oxfam Novib khuyến nghị: Chính sách ưu đãi thuế sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ĐKKT. Ưu đãi về thuế này đã được khảo sát với doanh nghiệp thực hiện nhiều nơi. Đây không phải là điều các nhà đầu tư theo đuổi để quyết định đầu tư mà chủ yếu là ở vấn đề cơ sở hạ tầng, sự ổn định kinh tế chính trị và chất lượng nguồn nhân lực. Vậy nên thay vì đầu tư ưu đãi thuế (chi phí cơ hội) nếu dùng đầu tư ngược lại vào nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thì sẽ có tác dụng lâu dài hơn với Việt Nam. Đặc biệt, với ưu đãi nếu không tính toán, định lượng và cụ thể thì sẽ khiến cho nhiều công ty hiện tại đang hoạt động và đóng thuế bình thường sẽ có động lực chuyển tới các khu vực ĐKKT để nhận ưu đãi...

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ ưu đãi về thuế TNDN mà cố gắng tạo ra những mặt bằng chung trong đầu tư và cơ chế thông thoáng cả về tiếp cận thị trường, vốn cũng như các cơ chế tiếp cận nguồn lực khác, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư. Với việc ưu đãi chính sách thuế cho các ĐKKT, cần làm rõ và hết sức thận trọng./.

 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực