Cần có chiến lược trong phát triển thương mại, ổn định thị trường trong nước

Thứ ba, 18/12/2018 19:28
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn từ năm 2006-2018, đóng góp bình quân của Thương mại trong nước vào GDP đều đạt mức hơn 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: K.D)

Chiều 18-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Thông tin tại hội nghị cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2006-2018, đóng góp bình quân của thương mại trong nước vào GDP đều đạt mức hơn 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến chế tạo). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta có mức tăng trưởng nhanh; tính chung từ năm 2006 đến nay tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 tới 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, trong những năm qua, thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.  Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ ngày càng quan tâm đến phát triển thương mại trong nước.

Nhấn mạnh tới vai trò của thương mại trong nước, tại hội  nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay có thể nói Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Do đó, muốn giữ được thị trường bán lẻ trong nước cần có chiến lược mới trong phát triển thương mại trong nước.

Hội nghị lấy ý kiến về phát triển thương mại trong nước. (Ảnh: K.D)

Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Trần Duy Đông nêu quan điểm: Bản chất thương mại đang thay đổi nhanh với sự xuất hiện của các hình thức thương mại mới, mô hình bán lẻ, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0; sự hình thành các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị; bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ có dấu hiệu trở lại, tính bất định của kinh tế thế giới gia tăng. Việc tham gia các hiệp định FTA tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành. Những biến động này làm đang có nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp tới thương mại trong nước. Do đó, Việt Nam rất cần có chiến lược mới trong phát triển, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước thông qua việc kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm….

Ông Trần Duy Đông cũng cho biết, quan điểm phát triển thương mại trong nước trong thời gian tới đó là: Phát triển thương mại trong nước phải dựa trên nền tảng thị trường và tôn trọng quy tắc thị trường. Nhà nước chỉ tham gia vào các lĩnh vực, ngành, sản phẩm mà tư nhân không làm, hoặc không có khả năng tham gia. Quản lý nhà nước về thương mại trong nước trong thời gian tới tập trung vào giữ trật tự thị trường, bình ổn thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường...

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực